Là “chi thể” của Giáo Hội, điều đó không cản trở mỗi người kitô-hữu vẫn là một “hữu thể độc nhất và không thể thay thế” ; ngược lại, điều đó làm cho tính độc nhất bất khả thay thế của mỗi người có được ý nghĩa sâu xa nhất, vì tính độc nhất này là nguồn gốc của sự đa dạng và phong phú cho tòan thể Giáo Hội. Chính theo nghĩa đó mà Thiên Chúa, qua Đức Giêsu-Kitô, kêu gọi đích danh từng người trong chúng ta, mà không thể lẫn lộn. Lời mời gọi của Chúa Giêsu : “Cả các anh nữa, vào làm vườn nho cho tôi đi” nói với từng cá nhân và có nghĩa là “cả anh nữa, cũng vào làm vườn nho cho tôi đi !”.
Chính vì thế mà mỗi người chúng ta, với tính cách độc nhất không thể thay thế của mình, hiến thân làm cho sự hiệp thông giáo hội được tăng trưởng, bằng bản thân và hành động của mình, cũng như đón nhận và đồng hóa theo cách riêng mình, sự phong phú của Giáo Hội tòan cầu. Chính đó là sự “Hiệp thông các Thánh” mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính : thiện ích của mọi người trở thành thiện ích của mỗi người và thiện ích của mỗi người trở thành thiện ích của mọi người. Thánh Grêgôriô Cả đã viết : “Trong Hội Thánh, mỗi ngườinâng đỡ các người khác và các người khác nâng đỡ lại họ”.
Một điều tuyệt đối cần thiết là giáo dân phải luôn ý thức sống động mình là một “chi thể của Giáo Hội”, được trao phó một nhiệm vụ độc đáo, không thể thay thế và không thể ủy thác cho người khác, một nhiệm vụ phải hoàn thành vì lợi ích của mọi người. trong viễn ảnh đó, quả quyết của Công Đồng Vatican II về việc mỗi người nhất thiết phải làm việc tông đồ, đã nói lên tất cả ý nghĩa : “Việc tông đồ mà mỗi người phải thực hiện và là việc luôn luôn bắt nguồn từ mạch sống Kitô-giáo (x. Ga 4,14), việc ấy là nguyên lý và điều kiện của mọi hoạt động tông đồ giáo dân, kể cả việc tông đồ giáo dân tập thể, và không gì có thể thay thế được. Việc tông đồ cá nhân này rất hiệu quả ở bất cứ nơi nào và thời nào ; hơn nữa, trong một số hoàn cảnh, chỉ có nó mới thích hợp và mới có thể thực hiện được. Mọi người giáo dân, dù thuộc thành phần nào đi nữa, dù không có cơ hội hay khả năng cộng tác trong các phong trào, cũng đều được kêu gọi và đều có nhiệm vụ phải thực hành việc tông đồ cá nhân”.
Việc tông đồ cá nhân chứa đựng kho tàng phong phú lớn lao cần được khám phá để gia tăng sức năng động truyền giáo của mỗi giáo dân. Nhờ hình thức tông đồ này, Tin Mừng có thể chiếu giãi như hiện tượng mạo dẫn, đi vào mọi khu vực và môi trường mà cuộc sống thường nhật và cụ thể của giáo dân đang tiếp xúc. Hơn nữa, đây là sự chiếu giãi trường kỳ, vì có liên hệ với sự gắn bó liên lỉ của đời sống cá nhân với đức tin, đồng thời đây cũng là sự chiếu giãi rất sắc bén, vì khi chia sẻ hoàn toàn các điều kiện sinh sống, lao động, những khó khăn và hy vọng của anh em mình, giáo dân có thể đánh động tâm hồn những người lân cận, bạn bè, đồng nghiệp, và mở rộng tâm hồn họ tới chân trời toàn diện, tới ý nghĩa đầy đủ của cuộc sống : tức là hiệp thông với Thiên Chúa và giữa con người với nhau."
0 nhận xét:
Đăng nhận xét