"Mọi người chúng ta, Chủ Chăn cũng như tín hữu, phải cổ võ và không ngừng giữ gìn những mối dây và những tương quan huynh đệ của sự kính trọng, thân ái, cộng tác giữa các hình thức hiệp hội giáo dân khác nhau. Chỉ như thế, nguồn ân huệ và đoàn sủng dồi dào mà Thiên Chúa ban cho ta mới có thể góp phần phong phú và có trật tự vào việc xây dựng ngôi nhà tập thể : “Để chung xây ngôi nhà tập thể, còn phải từ bỏ đầu óc kình
chống và tranh chấp nhau, đúng hơn, cần đua tranh trong sự kính trọng lẫn nhau (x. Rm 12,10), trong sự quan tâm bày tỏ tình cảm cũng như thiện chí cộng tác, với sự kiên nhẫn, sáng suốt, sẵn sàng hy sinh có thể hàm chứa trong tất cả những việc đó”.
chống và tranh chấp nhau, đúng hơn, cần đua tranh trong sự kính trọng lẫn nhau (x. Rm 12,10), trong sự quan tâm bày tỏ tình cảm cũng như thiện chí cộng tác, với sự kiên nhẫn, sáng suốt, sẵn sàng hy sinh có thể hàm chứa trong tất cả những việc đó”.
Một lần nữa, chúng ta hãy trở lại với lời của Đức Giêsu : “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,5), để tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân lớn lao là sự hiệp thông giáo hội, phản ánh trong thời gian sự hiệp thông vĩnh cửu và khôn tả của Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi. Ý thức về hồng ân đó phải đi đôi với ý thức cao về trách nhiệm : thật vậy, đó là một ân huệ như nén bạc trong Phúc Âm, phải được biến đổi thành một đời sống hiệp thông triển nở.
Trách nhiệm với hồng ân hiệp thông trước hết có nghĩa là phải chiến thắng mọi cơn cám dỗ chia rẽ và chống đối đang đe dọa cuộc sống và sự dấn thân làm tông đồ của các kitô-hữu. Thánh Tông Đồ Phaolô đã phải thốt lên : "Tôi nghe trong anh em có những luận điệu như : ‘Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô’. Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư ?" (1 Cr 1,12-13). Tiếng kêu đau đón và thất vọng đó vẫn còn đang vang lên như một lời trách móc trước những hiện tượng “chia năm sẻ bảy Thân Thể Đức Kitô”. Ngược lại, chớ gì những lời sau đây của Thánh Tông Đồ vọng lại một lời mời gọi thuyết phục chúng ta : "Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau" (1 Cr 1,10).
Được vậy, đời sống hiệp thông trong Giáo Hội trở thành một dấu chỉ cho thế giới và một sức mạnh lôi cuốn đưa người ta đến chỗ tin vào Đức Kitô : "Lạy Cha, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, xin cho họ cũng được ở trong chúng ta, để thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con" (Ga 17,21). Bằng cách đó, sự hiệp thông hướng đến truyền giáo, chính nó trở thành truyền giáo."
0 nhận xét:
Đăng nhận xét