Chắc chắn việc huấn luyện thiêng liêng phải chiếm một vị trí ưu tiên trong đời sống của mỗi người, bởi vì mỗi người được kêu gọi để không ngừng lớn lên trong tình thân mật với Đức Giêsu-Kitô, trong sự hòa hợp với ý muốn của Chúa Cha, trong sự tận tụy cho các anh em, trong bác ái và sự công bình. Công Đồng nói : “Đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô trong Giáo Hội được nuôi dưỡng bằng sự phù giúp thiêng liêng chung cho mọi tín hữu, nhất là bằng việc tham dự tích cực và Phụng Vụ thánh. Người giáo dân phải làm thế nào để nhờ những phương tiện ấy mà chu toàn nhiệm vụ trần thế trong những hoàn cảnh thường xuyên của cuộc sống mà vẫn không tách khỏi đời sống mình sự kết hiệp với Chúa Kitô, nhưng càng kết hiệp mật thiết hơn khi thi hành công việc của mình theo ý Thiên Chúa”.
Ngày nay, việc huấn luyện đạo lý cho các tín hữu mỗi ngày một khẩn thiết hơn, không những vì sự năng động tự nhiên thúc đẩy việc đào sâu đức tin, nhưng còn vì nhu cầu “chứng thực niềm hy vọng” nơi họ trước một thế giới cũng như trước những vấn đề nghiêm trọng và phức tạp của thế giới. Do đó, một hoạt động huấn giáo có hệ thống, thích hợp với lứa tuổi và với những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, một sự thăng tiến văn hóa theo tinh thần Kitô-giáo cách cương quyết hơn, được coi là tuyệt đối cần thiết, để có thể trả lời cho những vấn đề muôn thuở cũng như những vấn đề mới đang làm cho con người và vũ trụ hiện nay giao động.
Đặc biệt, một điều không thể thiếu được, là người giáo dân, nhất là những người tham gia nhiều cách khác nhau vào lãnh vực xã hội hoặc chính trị, cần phải hiểu biết chính xác hơn về học thuyết xã hội của Giáo Hội, như các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã nhiều lần đòi hỏi trong các phát biểu của mình. Khi nói tới việc tham gia của giáo dân vào chính trị, Thượng-hội-đồng đã diễn tả như sau : “Để người giáo dân có thể tích cực thực hiện dự phóng cao quý này trong lãnh vực chính trị (tức là dự phóng làm cho người ta nhìn nhận và quý trọng các giá trị nhân bản và Kitô-giáo), chỉ khuyến khích mà thôi thì không đủ, cần phải trao cho họ những phương tiện cần thiết để đào tạo lương tâm xã hội của họ, đặc biệt dựa vào học thuyết xã hội của Giáo Hội, là học thuyết bao gồm những nguyên tắc suy tư, những tiêu chuẩn phán đoán và những chỉ dẫn hành động (x. TB. Giáo Lý Đức Tin, “Huấn thị về Tự Do Kitô-giáo và giải phóng”, 72). Học thuyết này phải được đua vào trong chương trình huấn giáo cơ bản và phải được giải thích trong những khóa chuyên biệt cũng như trong các trường học và đại học. Cũng nên ghi nhận rằng học thuyết xã hội của Giáo Hội có tính năng động, nghĩa là nó thích ứng với hoàn cảnh không gian và thời gian. Các vị chủ chăn có quyền và nghĩa vụ đề ra những nguyên tắc lyuân lý thuộc lãnh vực xã hội cũng như những lãnh vực khác ; mọi kitô-hữu phải sẵn sàng bảo vệ các quyền con người ; tuy nhiên, việc dấn thân tích cực trong các đảng phái chính trị được dành cho người giáo dân”.
Trong bối cảnh của việc huấn luyện giáo dân cách toàn vẹn và thống nhất, phải luư tâm tài bồi các giá trị nhân bản ; đó là điều quan trọng trong công tác truyền giáo và tông đồ. Chính trong chiều hướng này, Công Đồng đã viết : “(Giáo dân) nên quý trọng chuyên môn nghề nghiệp, ý nghĩa gia đình và công dân, cũng như những đức tính liên quan tới đời sống xã hội chẳng hạn sự lương thiện, tinh thần công bình, lòng thành thực, sự tế nhị, lòng quả cảm ; không có những đức tính đó, không thể có đời sống kitô-hữu đích thực”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét