“Những ai biết cách chiêm niệm sẽ dễ dàng bắt tay vào việc cố gắng thay đổi những gì đang tạo ra suy thoái và tổn hại cho sức khỏe. Họ sẽ cố gắng giáo dục và cổ vũ các thói quen sản xuất và tiêu thụ mới, để góp phần vào một mô hình tăng trưởng kinh tế mới bảo đảm việc tôn trọng ngôi nhà chung của chúng ta và tôn trọng người ta. Người chiêm niệm trong hành động: điều này quả tốt đẹp! Mỗi người chúng ta nên là người bảo vệ môi trường, sự trong sạch của môi trường, tìm cách kết hợp kiến thức tổ tiên của các nền văn hóa lâu đời hàng thiên niên kỷ với kiến thức kỹ thuật mới, để lối sống của chúng ta luôn bền vững.
Cuối cùng, chiêm niệm và quan tâm: đó là hai thái độ chỉ cho ta cách sửa chữa và tái cân bằng mối tương quan của chúng ta trong tư cách con người nhân bản với sáng thế.
Thường thường, mối tương quan của chúng ta với sáng thế dường như là mối tương quan giữa những kẻ thù: phá hủy sáng thế vì lợi ích của chúng ta. Khai thác sáng thế vì lợi nhuận của chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng điều đó sẽ phải trả giá rất đắt; chúng ta đừng quên câu nói của người Tây Ban Nha: “Chúa luôn tha thứ; đôi khi chúng ta tha thứ; thiên nhiên không bao giờ tha thứ ”. Hôm nay tôi đọc trên báo về hai băng sơn lớn ở Nam Cực, gần biển Amundsen: chúng sắp sụp đổ. Điều này sẽ rất khủng khiếp vì mực nước biển sẽ dâng cao và việc này sẽ mang lại rất nhiều khó khăn và gây ra rất nhiều tai hại. Và tại sao? Vì trái đất đang nóng lên, không quan tâm đến môi trường, không chăm sóc ngôi nhà chung. Mặt khác, khi chúng ta có mối tương quan – tôi tạm gọi là - "huynh đệ" vì nó là kiểu nói văn hoa; mối quan hệ “huynh đệ” với sáng thế, chúng ta sẽ trở thành người bảo vệ ngôi nhà chung, người bảo vệ sự sống và người bảo vệ niềm hy vọng. Chúng ta sẽ bảo vệ di sản mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta để các thế hệ mai sau được thụ hưởng nó. Và một số người có thể nói: "Nhưng, tôi rất ổn giống như bây giờ". Nhưng vấn đề không phải là nay anh chị em lo liệu ra sao - điều này đã được một nhà thần học người Đức, một người theo đạo Tin lành, một người tốt: Bonhoeffer nói ra - vấn đề không phải là nay anh chị em lo liệu ra sao; vấn đề là: đâu là di sản, là sự sống cho các thế hệ mai sau? Chúng ta hãy nghĩ đến con cái cháu chắt của chúng ta: chúng ta sẽ để lại gì nếu chúng ta trấn lột sáng thế? Chúng ta hãy bảo vệ đường đi này của những “người bảo vệ” ngôi nhà chung của chúng ta, những người bảo vệ sự sống và cũng là những người bảo vệ niềm hy vọng. Họ bảo vệ di sản mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta (cho người ta, cho mọi người) để các thế hệ mai sau được thụ hưởng nó. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người dân bản địa, những người mà tất cả chúng ta đều mang món nợ ơn nghĩa- cũng là món nợ ăn năn, sửa chữa những điều xấu xa chúng ta đã gây ra cho họ. Nhưng tôi cũng nghĩ đến những phong trào, hiệp hội, những nhóm bình dân vốn cam kết bảo vệ lãnh thổ của họ với những giá trị tự nhiên và văn hóa của nó. Những thực tại xã hội này không luôn luôn được đánh giá cao, và đôi khi chúng còn bị cản trở; bởi vì chúng không kiếm ra tiền; nhưng trên thực tế, chúng góp phần vào một cuộc cách mạng hòa bình, mà chúng ta có thể gọi là “cuộc cách mạng của sự chăm sóc”. Chiêm niệm để chăm sóc, chiêm niệm để bảo vệ, bảo vệ chính mình, sáng thế, con cái cháu chắt chúng ta và bảo vệ tương lai. Chiêm niệm để chăm sóc và bảo vệ, và để lại một di sản cho thế hệ mai sau.
Và không được giao việc này cho người khác: đây là nhiệm vụ của mỗi con người nhân bản. Mỗi người chúng ta có thể và phải là “người bảo vệ ngôi nhà chung”, có khả năng ca ngợi Thiên Chúa vì các tạo vật của Người, chiêm ngưỡng các tạo vật và bảo vệ chúng. Cảm ơn anh chị em.” (ĐTC Phanxicô, 16/09/2020)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét