“…Thưa anh chị em, khi nghĩ đến con đường chung này, tôi đã tự hỏi mình: Điểm hội tụ của chúng ta là gì? Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người đã đến thăm Kazakhstan 21 năm trước ngay trong tháng này, đã tuyên bố rằng “đối với Giáo hội, mọi con đường đều dẫn đến con người” và con người là “con đường đối với Giáo hội” (Redemptor Hominis, 14). Tôi muốn nói rằng con
người ngày nay cũng là con đường cho tất cả các tôn giáo.
Vâng, con người, đàn ông và đàn bà, những con người cụ thể, bị suy yếu bởi đại dịch, bị hao mòn bởi chiến tranh, bị thương bởi sự thờ ơ! Con người, những tạo vật yếu đuối và kỳ diệu, những tạo vật “một khi Thiên Chúa bị lãng quên, sẽ bị bỏ lại trong bóng tối” (Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 36) và ngoài những người khác thì không thể sống sót! Thiện ích của con người cần được xem xét trước các mục tiêu chiến lược và kinh tế, lợi ích quốc gia, năng lượng và quân sự, và trước các quyết định chủ yếu. Để đưa ra những quyết định thực sự lớn lao, chúng ta nên nhìn vào trẻ em, những người trẻ tuổi và tương lai của họ, những người già và túi khôn của họ, những người bình thường và những nhu cầu thực sự của họ. Chúng ta đã lên tiếng và nhấn mạnh rằng con người không thể bị giản lược vào những gì họ sản xuất và kiếm được; con người phải được chấp nhận và không bao giờ bị loại bỏ; Gia đình, một từ trong tiếng Kazakh có nghĩa là “tổ ấm của tâm hồn và tình yêu”, là thực tại tự nhiên và không thể thay thế, cần được bảo vệ và phát huy, để những người đàn ông và đàn bà ngày mai có thể lớn lên và trưởng thành…
Cuối cùng, hạn từ thứ ba: người trẻ. Giới trẻ là sứ giả của hòa bình và thống nhất, trong hiện tại và trong tương lai. Chính họ hơn ai hết kêu gọi hòa bình và tôn trọng ngôi nhà chung của sáng thế. Thái độ thống trị và bóc lột thâm căn cố đế, tích trữ tài nguyên, chủ nghĩa dân tộc, chiến tranh và đục khoét các phạm vi ảnh hưởng vốn lên khuôn thế giới cũ; thế giới này đang bị giới trẻ bác bỏ: vì đó là một thế giới không có chỗ cho hy vọng và ước mơ của họ. Cũng vậy, các hình thức tôn giáo hà khắc và đàn áp không thuộc về tương lai mà thuộc về quá khứ. Lưu ý đến các thế hệ tương lai, chúng ta đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, điều này giúp củng cố sự chấp nhận lẫn nhau và sự chung sống tôn trọng giữa các tôn giáo và nền văn hóa khác nhau (xem số 21). Chúng ta hãy đặt vào tay người trẻ cơ hội giáo dục, chứ không phải vũ khí hủy diệt! Và chúng ta hãy lắng nghe họ, mà không sợ bị thách thức bởi những câu hỏi của họ. Trên hết, chúng ta hãy lưu tâm đến việc xây dựng thế giới với họ!” (ĐTC Phanxicô, diễn từ ơ Kazakhstan 15/10/2022)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét