“Thưa anh chị em, chúng ta hãy trở về với nguồn tình yêu trong sáng của Công đồng. Chúng ta hãy khám phá lại niềm đam mê của Công Đồng và làm mới lại niềm đam mê của chính chúng ta đối với Công Đồng! Hãy đắm mình trong mầu nhiệm của Giáo Hội, Mẹ và Hiền Thê, chúng ta cũng hãy nói với Thánh Gioan 23: Gaudet Mater Ecclesia! (Diễn văn Khai mạc Công đồng, ngày 11 tháng 10
năm 1962). Cầu xin cho Hội Thánh tràn ngập niềm vui. Nếu không vui mừng, Giáo Hội sẽ phủ nhận chính bản thân mình, vì Giáo Hội sẽ quên đi tình yêu đã sinh ra mình.
Tuy nhiên, có bao nhiêu người trong chúng ta không thể sống đức tin một cách vui vẻ, không có những phàn nàn và chỉ trích? Một Hội Thánh yêu mến Chúa Giêsu không có thời gian cho những cuộc cãi vã, buôn chuyện và tranh chấp. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự chỉ trích và bất khoan dung, khắc nghiệt và tức giận! Đây không phải là vấn đề của phong cách mà là tình yêu. Đối với những người yêu thương, như Tông đồ Phaolô dạy, hãy làm mọi việc mà đừng càm ràm (x. Pl 2,14). Lạy Chúa, xin dạy chúng con cái nhìn cao cả của chính Ngài; xin dạy chúng con nhìn Giáo Hội như Chúa nhìn Giáo Hội. Và khi chúng ta bị chỉ trích và bất bình, chúng ta hãy nhớ rằng trở thành Giáo Hội có nghĩa là làm chứng cho vẻ đẹp của tình yêu, sống cuộc đời của chúng ta như một câu trả lời cho câu hỏi của Chúa: Con có yêu mến Thầy không? Chứ không phải hành động như thể chúng ta đang canh thức trong một đám tang.
Con có yêu mến Thầy không? Hãy chăm sóc các chiên của Thầy. Với động từ thứ hai, hãy chăm sóc, Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu thương mà Ngài mong muốn từ Thánh Phêrô. Vì vậy, bây giờ chúng ta hãy suy ngẫm về Thánh Phêrô. Ngài là một người đánh cá mà Chúa Giêsu đã biến thành một Tông đồ chài lưới người (x. Lc 5,10). Chúa Giêsu giao cho ngài một vai trò mới, đó là một người mục tử, một việc hoàn toàn mới đối với ngài. Thực tế đây là một bước ngoặt trong cuộc đời của Thánh Phêrô, vì trong khi những người đánh cá lo đánh bắt cho mình thì những người chăn chiên lại quan tâm đến người khác và cho người khác ăn. Những người chăn chiên sống với bầy chiên của họ; họ cho chiên ăn và yêu thương chúng. Người chăn chiên không ở “trên” lưới như người đánh cá, mà là “ở giữa” bầy chiên của mình. Người chăn đứng trước mặt dân chúng để vạch đường, đứng giữa dân chúng như một người trong số họ, và đứng sau dân chúng để gần gũi với những người đi lạc. Một người chăn chiên không ở trên, giống như một người đánh cá, nhưng ở giữa.
Đây là cách nhìn thứ hai về Giáo Hội mà chúng ta học được từ Công đồng: nhìn xung quanh. Nói cách khác, ở trong thế giới với người khác mà không bao giờ cảm thấy mình vượt trội hơn người khác, nhưng là tôi tớ của thực tại cao hơn là Nước Thiên Chúa (xem Lumen Gentium, 5); đưa tin mừng của Phúc âm vào đời sống và ngôn ngữ của mọi người (xem Sacrosanctum Concilium, 36), chia sẻ niềm vui và hy vọng của họ (xem Gaudium et Spes, 1). Ở giữa dân chúng, nhưng không đứng trên mọi người, vì đứng trên mọi người là tội lỗi tồi tệ của chủ nghĩa giáo sĩ giết các con chiên hơn là hướng dẫn họ hoặc giúp đoàn chiên phát triển. Công đồng kịp thời làm sao! Công đồng giúp chúng ta từ chối cám dỗ nhốt mình trong giới hạn của những tiện nghi và niềm tin của chính chúng ta. Công đồng giúp chúng ta bắt chước đường lối của Thiên Chúa, mà tiên tri Êdêkien đã mô tả cho chúng ta ngày nay: “con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh” (xem Ed 34,16).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét