16. Đức Giê-su đã mời gọi chúng ta hướng về Thiên Chúa với lòng tin tưởng và kiên trì để được nhậm lời: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho (Mt 7,7). Nền tảng của sức mạnh của lời cầu nguyện này là lòng nhân lành của Chúa Cha, nhưng cũng là sự trung gian của chính Đức Kitô (x. 1 Ga 2,1) và hành động của Chúa Thánh Thần Đấng khẩn cầu cho chúng ta theo như ý của Thiên Chúa (x. Rm 8,26-27). Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải (Rm 8,26), và đồng thời chúng ta không được nhậm lời vì chúng ta xin sai (x. Gc 4,2-3).
Để hỗ trợ lời kinh mà Đức Kitô và Chúa Thánh Thần gợi lên trong lòng chúng ta, Đức Ma-ri-a can thiệp bằng lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ. Lời cầu nguyện của Giáo hội được đỡ nâng nhờ lời cầu nguyện của Đức Ma-ri-a [23]. Nếu Đức Giê-su, Đấng Trung gian duy nhất, là Con Đường cho lời cầu nguyện của chúng ta, thì Đức Ma-ri-a, phản ánh tinh tuyền và trong sáng nhất của Người, tỏ cho chúng ta Con Đường. Chính từ sự cộng tác duy nhất của Đức Ma-ri-a với công việc của Chúa Thánh Thần, mà các Giáo hội đã triểm khai lời kinh dâng lên Mẹ thánh thiện của Thiên Chúa, bằng cách tập trung vào con người Đức Kitô được biểu lộ qua các mầu nhiệm [24]. Tại tiệc cưới Ca-na, sách Tin mừng đã tỏ lộ rõ ràng quyền lực của lời chuyển cầu Đức Ma-ri-a khi ngài báo cho Đức Giê-su biết nhu cầu của người khác: Họ hết rượu rồi (Ga 2,3).
Kinh Mân Côi đồng thời là suy niệm và khẩn cầu. Lời kinh khẩn nài Mẹ Thiên Chúa được đặt nền tảng trên sự tin tưởng: tin rằng lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ có thể giành được mọi sự từ trái tim của Con ngài. Mẹ rất quyền năng bởi ân sủng, để sử dụng lối diễn tả táo bạo nhưng cần hiểu cho đúng đắn, của Chân phước Bartolo Longo trong bài Lời Khẩn cầu Đức Bà [25]. Đó là một xác tín, phát xuất từ Tin mừng, đã tăng trưởng càng ngày càng vững chắc trong kinh nghiệm của Dân Kitô giáo. Thi sĩ thượng thặng Dante diễn tả cách tuyệt diệu qua các vần thơ được thánh Bê-na-đô hát lên: Lạy Đức Bà, Bà thật vĩ đại và đầy quyền năng, ai ước muốn có ân huệ mà không đến với ngài, thì người ấy muốn ước vọng của mình bay lên mà không có đôi cánh [26].
Trong Kinh Mân Côi, khi chúng ta van nài Đức Ma-ri-a, đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,35), ngài chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa Cha, Đấng tuôn đổ hồng ân xuống trên ngài, và trước mặt người Con sinh ra từ cung lòng ngài, bằng cách cầu nguyện với chúng ta và cho chúng ta.” (Tháng Gioan Phaolô II)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét