“…Phân định những gì đang xảy ra trong chúng ta không phải là điều dễ dàng, vì những vẻ bề ngoài có tính lừa dối, nhưng sự thân thuộc với Thiên Chúa có thể làm tan biến các mối nghi ngờ và sợ hãi một cách nhẹ nhàng, khiến cuộc sống của chúng ta ngày càng dễ tiếp nhận “ánh sáng dịu dàng” của Người, theo cách diễn đạt tuyệt vời của Thánh John Henry Newman. Các thánh chiếu sáng bằng ánh sáng phản chiếu và bằng các cử chỉ đơn giản hàng ngày, các ngài chỉ cho ta thấy sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa, Đấng biến điều không thể thành điều có thể. Người ta nói rằng hai vợ chồng sống với nhau một thời gian dài, yêu thương nhau, thì kết cục sẽ ra giống nhau.
Một điều tương tự cũng có thể nói về lời cầu nguyện đầy xúc cảm: một cách tiệm tiến nhưng hữu hiệu, nó giúp chúng ta ngày càng có thể nhận ra những gì đáng kể nhờ tính đồng bản nhiên, như một điều gì đó nảy sinh từ sâu thẳm hữu thể chúng ta. Cầu nguyện không có nghĩa là nói lời nói, lời nói, không: cầu nguyện có nghĩa là mở lòng ra với Chúa Giêsu, đến gần Chúa Giêsu, để Chúa Giêsu đi vào lòng tôi và làm cho chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Người. Và ở đó chúng ta có thể biện phân khi nào là Chúa Giêsu và khi nào là chúng ta với những suy nghĩ của mình, một điều rất nhiều lần khác xa với những gì Chúa Giêsu muốn.
Chúng ta hãy cầu xin ân sủng này: để sống mối liên hệ bằng hữu với Chúa, như một người bạn nói với một người bạn (x. Thánh Inhaxiô thành Loyola, Linh Thao, 53). Tôi biết một người nam tu sĩ già làm người gác cổng của một trường nội trú, và mỗi khi có thể thầy đều đến gần nhà nguyện, nhìn lên bàn thờ và nói: “Xin chào” vì thầy rất gần gũi với Chúa Giêsu. Thầy không cần phải nói bla bla bla, không: "Xin chào, con gần gũi Chúa và Chúa gần gũi con." Đây là mối liên hệ mà chúng ta phải có trong lời cầu nguyện: gần gũi, gần gũi đầy xúc cảm, như anh chị em, gần gũi với Chúa Giêsu. Một nụ cười, một cử chỉ đơn giản và không đọc những lời không chạm chi tới trái tim.
Như tôi đã nói, anh chị em hãy nói chuyện với Chúa Giêsu như một người bạn nói chuyện với một người bạn khác. Đó là một ân sủng mà chúng ta phải xin cho nhau: xem Chúa Giêsu là bạn của chúng ta, như người bạn lớn nhất, người bạn trung thành của chúng ta, Đấng không tống tiền, trên hết là Đấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta, ngay cả khi chúng ta quay lưng lại với Người. Người vẫn ở cửa trái tim của chúng ta. Chúng ta nói “Không, với Chúa, con không muốn biết bất cứ điều gì”. Và Người vẫn im lặng, Người luôn ở gần trong tầm tay, trong tầm tay của trái tim vì Người luôn thành tín. Chúng ta hãy tiếp tục với lời cầu nguyện này, chúng ta có thể nói lời cầu nguyện “xin chào”, lời cầu nguyện chào Chúa bằng trái tim của chúng ta, lời cầu nguyện âu yếm, lời cầu nguyện gần gũi, ít lời nhưng bằng hành động và việc làm tốt. Cảm ơn anh chị em.” (ĐTC Phanxicô, 28/09/2022)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét