“Phục sinh” là gì? Khi chết, linh hồn và thân xác bị tách biệt, thân xác con người bị hư hoại trong khi linh hồn của nó đến gặp Thiên Chúa, mà vẫn mong đợi được kết hợp lại với thân xác được tôn vinh của mình. Thiên Chúa, bằng sự toàn năng của Ngài, sẽ vĩnh viễn trả lại sự sống bất hoại cho thân xác chúng ta, kết hợp thân xác đó với linh hồn chúng ta, bằng sức mạnh của cuộc phục sinh của Chúa Giê-su.
998
999
Phục sinh thế nào? Đức Ki-tô đã phục sinh với thân xác riêng của Người: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!” (Lc 24,39); nhưng Người không trở lại với đời sống trần thế. Cũng vậy, trong Người, “tất cả mọi người sẽ sống lại với thân xác riêng của mình, thân xác hiện giờ họ đang mang”, nhưng thân xác này “sẽ được biến đổi thành thân xác của sự vinh quang”, thành “thân thể có thần khí” (1 Cr 15,44):
“Nhưng có người sẽ nói: Kẻ chết sống lại thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về? Đồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống; cái ngươi gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi… Gieo xuống thì hư nát, mà sống lại thì bất diệt;… những kẻ chết sẽ sống lại mà không còn hư nát… Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (l Cr 15,35-37.42.52- 53).
1000
Sự “phục sinh thế nào” đó, vượt quá trí tưởng tượng và sự hiểu biết của chúng ta; điều đó chỉ có thể đạt tới bằng đức tin. Nhưng việc chúng ta tham dự vào bí tích Thánh Thể đã cho chúng ta được nếm trước sự biến hình của thân xác chúng ta nhờ Đức Ki-tô:
“Cũng như bánh là hoa mầu ruộng đất, sau khi nhận được lời khẩn cầu Thiên Chúa, không còn là bánh thường nữa, nhưng là Thánh Thể với hai thực tại trần thế và thiên quốc: cũng vậy, thân xác chúng ta khi đón nhận Thánh Thể thì không còn bị hư hoại, nhưng đã mang niềm hy vọng phục sinh.”
1001
Khi nào phục sinh? Một cách vĩnh viễn, “trong ngày sau hết” (Ga 6,39-40.44.54; 11,24); “ngày tận thế.” Quả vậy, sự phục sinh của những người chết được gắn liền với cuộc Quang lâm của Đức Ki-tô:
“Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng Tổng lãnh Thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người chết trong Đức Ki-tô sẽ sống lại trước tiên” (l Tx 4,16).
Phục sinh với Đức Ki-tô (1002–1004)
1002
Nếu thật sự là, Đức Ki-tô sẽ cho chúng ta phục sinh trong “ngày sau hết”, thì cũng thật sự là, một cách nào đó, chúng ta đã phục sinh với Đức Ki-tô rồi. Thật vậy, nhờ Chúa Thánh Thần, đời sống Ki-tô hữu, ngay nơi trần thế, đã là sự tham dự vào cái Chết và sự Sống lại của Đức Ki-tô:
“Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu Phép Rửa, lại cùng được sống lại với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Người sống lại từ cõi chết… Anh em đã được sống lại cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 2,12; 3,1).
1003
Được liên kết với Đức Ki-tô nhờ bí tích Rửa Tội, các tín hữu thật sự đã tham dự vào sự sống thiên quốc của Đức Ki-tô phục sinh,579 nhưng sự sống này còn “tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3). Chính Thiên Chúa đã cho chúng ta được “cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời” (Ep 2,6). Được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Đức Ki-tô trong bí tích Thánh Thể, chúng ta đã thuộc về Thân Thể của Người. Khi chúng ta được phục sinh vào ngày sau hết, “lúc đó”, chúng ta sẽ xuất hiện “với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3,4).
1004
Trong khi mong đợi ngày đó, thân xác và linh hồn của tín hữu đã được tham dự vào phẩm giá được hiện hữu “trong Đức Ki-tô”; vì vậy, phải tôn trọng thân xác của mình, và cả thân xác của người khác, nhất là khi thân xác đó phải chịu đau đớn:
“Thân xác… phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác; Thiên Chúa đã làm cho Đức Ki-tô sống lại; chính Ngài cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao?… Anh em đâu còn thuộc về mình nữa… Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6,13-15.19-20).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét