II. Thiên Đàng (1023–1029)
“Bằng thẩm quyền tông đồ, chúng tôi định tín rằng: Theo sự an bài chung của Thiên Chúa, từ sau cuộc Thăng thiên của Đấng Cứu Độ chúng ta là Chúa Giê-su Ki-tô, linh hồn của tất cả các Thánh… và của mọi Ki-tô hữu đã chết sau khi lãnh nhận Phép Rửa thánh thiêng của Đức Ki-tô, nếu họ không có gì phải thanh luyện, sau khi họ chết,… hoặc nếu lúc đó nơi họ đã hoặc sẽ có gì phải thanh luyện, mà đã thanh luyện xong sau khi chết… thì ngay cả trước khi họ đảm nhận lại thân xác của mình và trước cuộc phán xét chung, các linh hồn này đã, đang và sẽ được ở trên trời, trên Nước Trời và trên Thiên Đàng cùng với Đức Ki-tô, được nhập đoàn các thánh Thiên thần, và sau cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê-su Ki-tô, các linh hồn này đã và đang
được xem thấy bản tính thần linh bằng sự hưởng kiến trực tiếp và giáp mặt, không qua trung gian một thụ tạo nào.”
được xem thấy bản tính thần linh bằng sự hưởng kiến trực tiếp và giáp mặt, không qua trung gian một thụ tạo nào.”
1024
Đời sống trọn hảo này với Ba Ngôi Chí Thánh, việc hiệp thông sự sống với Ngài, với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, với các Thiên thần và tất cả các Thánh, được gọi là “thiên đàng.” Thiên đàng là mục đích tối hậu và là sự hoàn thành các nguyện vọng sâu xa nhất của con người, là tình trạng vinh phúc tuyệt hảo và vĩnh viễn.
1025
Sống trên thiên đàng là “ở với Đức Ki-tô.” Những người được tuyển chọn sống “trong Người”, nhưng ở đó họ vẫn giữ, thậm chí họ tìm được, căn tính riêng của mình, danh xưng riêng của mình.
1026
Chúa Giê-su Ki-tô, nhờ sự chết và sự sống lại của Người, đã “mở cửa” thiên đàng cho chúng ta. Sự sống của các Thánh cốt tại việc sở hữu sung mãn các hoa trái của ơn Cứu Chuộc mà Đức Ki-tô đã hoàn thành, Người là Đấng kết hợp vào vinh quang thiên quốc của Người những ai đã tin vào Người và đã trung thành với thánh ý Người. Thiên Đàng là cộng đồng vinh phúc của tất cả những người đã được tháp nhập trọn vẹn vào Đức Ki-tô.
1027
Mầu nhiệm hiệp thông vinh phúc với Thiên Chúa và với tất cả những người ở trong Đức Ki-tô, vượt quá mọi hiểu biết và mọi trình bày. Thánh Kinh nói với chúng ta về mầu nhiệm này bằng các hình ảnh: sự sống, ánh sáng, sự bình an, tiệc cưới, rượu Nước Trời, nhà Cha, thành Giê-ru-sa-lem thiên quốc, thiên đàng: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Ngài” (1 Cr 2,9).
1028
Thiên Chúa, vì sự siêu việt của Ngài, không ai có thể trông thấy Ngài như Ngài là, nếu chính Ngài không mở mầu nhiệm của Ngài cho con người chiêm ngưỡng trực tiếp, và nếu chính Ngài không ban cho con người khả năng đó. Việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa như vậy trong vinh quang thiên quốc của Ngài, được Hội Thánh gọi là “sự hưởng kiến vinh phúc” (visio beatifica):
“Bạn sẽ vinh quang và hạnh phúc biết bao vì được phép nhìn thấy Chúa, được hân hạnh hưởng niềm vui cứu độ và ánh sáng vĩnh cửu cùng với Chúa Ki-tô, Thiên Chúa của bạn,… bạn sẽ hưởng niềm vui của sự bất tử cùng với những người công chính và các bạn hữu của Thiên Chúa trong Nước Trời.”
1029
Trong vinh quang trên trời, các Thánh vẫn tiếp tục thi hành thánh ý của Thiên Chúa một cách hân hoan đối với những người khác và đối với toàn thể các thụ tạo. Các ngài đã hiển trị cùng với Đức Ki-tô; cùng với Người, các ngài “sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 22,5).
III. Sự thanh luyện cuối cùng hoặc Luyện ngục (1030–1032)
1030
Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng.
1031
Hội Thánh gọi sự thanh luyện cuối cùng này của những người được chọn là Luyện ngục, sự thanh luyện này khác hẳn với hình phạt của những kẻ bị luận phạt. Hội Thánh công bố đạo lý đức tin liên quan đến luyện ngục, chủ yếu trong các Công đồng Florentinô và Tri-đen-ti-nô. Truyền thống của Hội Thánh, dựa trên một số bản văn của Thánh Kinh, nói đến lửa thanh luyện:
“Đối với một số tội nhẹ, phải tin là trước phán xét chung có lửa thanh luyện, theo điều Đấng là Chân lý đã nói rằng nếu ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần, người đó sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau (Mt 12,32). Trong lời đó, chúng ta có thể hiểu là một số tội có thể được tha ở đời này, còn một số tội có thể được tha ở đời sau.”
1032
Đạo lý này cũng dựa trên tập quán cầu nguyện cho những người quá cố, điều này đã được Thánh Kinh nói đến: “Bởi đó ông Giu-đa Ma-ca-bê đã dâng hy lễ đền tội cho những người quá cố, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,46). Ngay những thời đầu, Hội Thánh vẫn kính nhớ người quá cố và dâng lời cầu nguyện cho họ, nhất là dâng Hy lễ Thánh Thể, để một khi đã được thanh luyện họ có thể được vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa. Hội Thánh cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng các ân xá và làm các việc đền tạ để cầu cho những người đã qua đời:
“Vậy chúng ta hãy giúp đỡ họ và hãy nhớ đến họ. Nếu hy lễ của ông Gióp đã đền được tội cho các con ông: tại sao bạn lại hồ nghi, là liệu những lễ tế chúng ta dâng lên để cầu cho người quá cố có đem đến cho họ một an ủi nào không?… Chúng ta đừng ngần ngại giúp đỡ những người đã qua đời, và dâng lời cầu nguyện cho họ.”
IV. Hỏa ngục (1033–1037)
1033
Chúng ta không thể được kết hợp với Thiên Chúa, nếu chúng ta không tự nguyện yêu mến Ngài. Nhưng chúng ta không thể yêu mến Ngài, nếu chúng ta phạm tội trọng chống lại Ngài, chống lại người lân cận của chúng ta hoặc chống lại chính chúng ta: “Kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân, và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1 Ga 3,15). Chúa chúng ta cảnh cáo rằng chúng ta sẽ bị tách biệt khỏi Người, nếu chúng ta bỏ qua không đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết của người nghèo và những người bé mọn, là các anh em của Người. Chết trong tội trọng mà chúng ta không thống hối và không đón nhận tình yêu thương xót của Thiên Chúa, có nghĩa là chúng ta bị tách biệt khỏi Ngài đến muôn đời, vì sự chọn lựa tự do riêng của chúng ta. Tình trạng chính mình tự loại trừ mình cách vĩnh viễn như vậy (“autoexclusio”) khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và với các Thánh, được gọi bằng từ “hỏa ngục.”
1034
Chúa Giê-su thường nói về lửa không hề tắt của “hỏa ngục”, dành cho những ai cho đến chết vẫn không tin và không chịu hối cải, ở đó cả linh hồn và thân xác có thể bị hư mất. Chúa Giê-su dùng những lời nghiêm khắc loan báo: “Con Người sẽ sai các Thiên thần của Người tập trung… mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa” (Mt 13,41-42), và chính Người sẽ công bố lời kết án: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời!” (Mt 25,41).
1035
Đạo lý của Hội Thánh khẳng định có hỏa ngục và tính vĩnh cửu của hỏa ngục. Linh hồn của những kẻ chết trong tình trạng tội lỗi, ngay sau khi chết, sẽ xuống chịu hình phạt hỏa ngục, chịu “lửa muôn đời.” Hình phạt chủ yếu của hỏa ngục cốt tại việc muôn đời bị tách biệt khỏi Thiên Chúa, Đấng mà chỉ nơi Ngài con người mới có thể có sự sống và sự vinh phúc, là những mục đích của việc con người được tạo dựng, và là những điều con người hằng khát vọng.
1036
Những khẳng định của Thánh Kinh và đạo lý của Hội Thánh về hỏa ngục là lời kêu gọi lãnh trách nhiệm qua đó con người phải sử dụng sự tự do của mình liên quan đến số phận muôn đời của mình. Đồng thời là lời kêu gọi khẩn thiết phải hối cải: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó; còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14):
“Vì chúng ta không biết ngày và giờ, nên theo lời Chúa dạy, chúng ta luôn phải tỉnh thức, để, khi dòng đời độc nhất của sự sống trần thế của chúng ta chấm dứt, chúng ta xứng đáng vào dự tiệc cưới với Người và được liệt kê vào số người được chúc phúc (x. Mt 25,31-46), kẻo cũng như những tôi tớ xấu xa và lười biếng (x. Mt 25,26) chúng ta được lệnh phải vào lửa muôn đời (x. Mt 25,41), vào chốn tối tăm bên ngoài, nơi khóc lóc và nghiến răng.”
1037
Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục; điều này đòi sự tự ý thù ghét Thiên Chúa (tội trọng) và cố chấp trong tình trạng đó đến cùng. Hội Thánh, trong phụng vụ Thánh Thể và trong kinh nguyện hằng ngày của các tín hữu, khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng không muốn “cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2 Pr 3,9):
“Vì vậy, lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ vật của chúng con là tôi tớ Chúa,
và của toàn thể gia đình Chúa…
Xin an bài cho đời chúng con được sống trong bình an của Chúa,
cứu chúng con thoát khỏi án phạt đời đời
và nhận chúng con vào đoàn những người Chúa chọn.”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét