Ads 468x60px

Hiển thị các bài đăng có nhãn POPE FRANCIS. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn POPE FRANCIS. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

CỤ THỂ HÔM NAY, TÔI PHẢI LÀM GÌ ? (ĐTC Phanxicô, 12/12/2021)


“Sau câu hỏi, “chúng tôi phải làm gì?”, Phúc âm liệt kê các câu trả lời khác nhau của Thánh Gioan Tẩy Giả đối với mỗi nhóm. Thánh Gioan khuyên rằng những ai có hai áo nên chia sẻ với những người không có; với những người thu thuế, thánh nhân nói: “Đừng thu thuế quá mức quy định” (Lc 3,13); với những người lính: “Đừng ngược đãi hoặc moi tiền của bất kỳ ai (xem câu 14).
Ngài hướng dẫn bằng những chỉ dẫn cụ thể cho mỗi người để đáp ứng với tình hình thực tế trong cuộc sống của họ. Điều này cung cấp cho chúng ta một lời dạy quý giá: đức tin được nhập thể trong cuộc sống cụ thể. Nó không phải là một lý thuyết trừu tượng. Đức tin không phải là một lý thuyết trừu tượng, một lý thuyết tổng quát hóa - không! Đức tin chạm vào cá nhân chúng ta và biến đổi cuộc sống của mỗi chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ về tính cụ thể trong đức tin của chúng ta. Đức tin của tôi là trừu tượng, một cái gì đó mơ hồ hay cụ thể? Nó có dẫn tôi đến việc phục vụ người khác, giúp đỡ người khác không?
Và vì thế, để kết luận, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta nên làm gì cụ thể trong những ngày này khi chúng ta gần đến lễ Giáng sinh? Tôi có thể làm phần việc của mình như thế nào? Hãy chọn một điều gì đó cụ thể, cho dù nhỏ bé, phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta trong cuộc sống, và hãy tiếp tục làm việc đó để chuẩn bị cho Giáng sinh này. Ví dụ: Tôi có thể gọi cho một người đang cô đơn, thăm người già hoặc người bị bệnh, làm điều gì đó để phục vụ một người nghèo, một người đang gặp khó khăn. Cả những điều này nữa: tôi cần cầu xin sự tha thứ, trao ban sự tha thứ, làm rõ một tình huống, trả một món nợ. Có lẽ tôi đã bỏ bê việc cầu nguyện và sau rất nhiều thời gian đã trôi qua, đã đến lúc cầu xin Chúa tha thứ. Anh chị em hãy tìm những việc cụ thể và thực hiện nhé! Cầu xin Đức Mẹ, Đấng cưu mang Chúa trong lòng, giúp chúng ta.” (ĐTC Phanxicô, 12/12/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

XIN VUA GIÊSU GIẢI THOÁT CHÚNG CON (ĐTC Phanxicô, 21/11/2021)


“Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này chỉ để làm chứng về Sự Thật.” (Ga 18,37)…
Chính sự thật của Người đã giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32). Nhưng chân lý của Chúa Giêsu không phải là một ý tưởng, một điều gì đó trừu tượng: chân lý của Chúa Giêsu là một thực tại, chính Người tạo ra chân lý bên trong chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi những hư cấu, khỏi những giả dối mà chúng ta có bên trong, khỏi thói nói một đàng làm một nẻo. Khi sống trong tình thân mật với Chúa Giêsu, chúng ta sống trong sự thật.
Cuộc sống của một Kitô Hữu không phải là một vở kịch mà anh chị em có thể đeo chiếc mặt nạ phù hợp với mình nhất. Bởi vì khi Chúa Giêsu ngự trị trong trái tim, Người giải phóng trái tim chúng ta khỏi thói đạo đức giả, giải thoát nó khỏi những thứ thấp hèn, khỏi sự giả tạo. Bằng chứng tốt nhất cho thấy Chúa Kitô là vua của chúng ta là khả năng chúng ta có thể tách rời khỏi những gì làm ô nhiễm cuộc sống, những gì khiến nó trở nên mơ hồ, mờ đục, buồn bã. Khi cuộc sống mông lung, một chút ở đây, một chút ở đó, thật buồn, thật buồn.
Tất nhiên, chúng ta phải luôn đối mặt với những hạn chế và khiếm khuyết: tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi. Nhưng, khi sống dưới vương quyền của Chúa Giêsu, chúng ta không trở nên hư hỏng, không trở nên giả dối, không có khuynh hướng che đậy sự thật. Không có cuộc sống hai mặt. Hãy nhớ kỹ: chúng ta là những kẻ tội lỗi, đúng như thế, tất cả chúng ta đều là những kẻ có tội! Tội thì có, nhưng băng hoại thì không bao giờ. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta mỗi ngày đều biết tìm kiếm chân lý của Chúa Giêsu, Vua vũ trụ, Đấng giải thoát chúng ta khỏi nô lệ trần gian và dạy chúng ta kềm chế những tệ nạn của mình.” (ĐTC Phanxicô, 21/11/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022

NẾU KHÔNG CẦU NGUYỆN... (ĐTC Phanxicô, 14/04/2021)


“... các cộng đồng và nhóm chuyên chăm việc cầu nguyện đang phát triển mạnh mẽ trong Giáo hội. Một số Kitô hữu thậm chí còn cảm thấy lời mời gọi biến việc cầu nguyện thành hành động chính trong ngày của họ. Có những đan viện, tu viện, ẩn thất trong Giáo Hội, nơi người ta thánh hiến đời sống cho Thiên Chúa. Những nơi đó thường trở thành các trung tâm của ánh sáng tâm linh. Chúng là những trung tâm cầu nguyện cộng đồng rõi sáng nền linh đạo. Chúng là những ốc đảo nhỏ trong đó viêc cầu nguyện cao độ được chia sẻ và sự hiệp thông huynh đệ được xây dựng từng ngày. Chúng là những tế bào quan trọng không những đối với cấu trúc Giáo Hội, mà còn đối với chính cấu trúc xã hội nữa. Thí dụ, chúng ta hãy nghĩ về vai trò của phong trào đơn tu đối với sự ra đời và phát triển của nền văn minh châu Âu, cũng như các nền văn hóa khác. Cầu nguyện và làm việc trong cộng đồng giúp thế giới tiếp tục phát triển. Nó là một động cơ!
Mọi sự trong Giáo hội đều bắt nguồn từ việc cầu nguyện và mọi sự phát triển nhờ việc cầu nguyện. Khi Kẻ thù, Kẻ ác, muốn chống phá Giáo Hội, trước tiên hắn làm như vậy bằng cách cố gắng hút cạn nguồn suối của Giáo Hội, ngăn cản người ta cầu nguyện. Chẳng hạn, chúng ta thấy điều đó trong một số nhóm đồng ý thúc đẩy việc cải cách Giáo hội tiến tới, thay đổi đời sống của Giáo hội và mọi tổ chức, các phương tiện truyền thông sẵn sàng thông tri cho mọi người cùng biết… Nhưng không cầu nguyện, ta không thấy việc cầu nguyện đâu. Chúng ta cần thay đổi điều đó; chúng ta cần phải đưa ra quyết định hơi khó khăn này… Nhưng đề xuất này đáng chú ý. Nó rất đáng chú ý! Chỉ những thảo luận, chỉ nhờ các phương tiện truyền thông. Nhưng cầu nguyện ở đâu? Và cầu nguyện là điều mở cửa cho Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng sự tiến bộ.
Các thay đổi trong Giáo hội mà không có cầu nguyện không phải là những thay đổi do Giáo hội thực hiện. Chúng là những thay đổi được thực hiện bởi các nhóm. Và khi Kẻ thù, như tôi đã nói, muốn chống phá Giáo hội, trước hết hắn sẽ làm điều đó bằng cách hút cạn nguồn nước của Giáo Hội, ngăn cản việc cầu nguyện và đưa ra những đề xuất khác. Nếu việc cầu nguyện ngừng lại, trong một thời gian ngắn có vẻ như mọi sự vẫn tiếp tục như mọi khi, theo quán tính, nhưng sau một thời gian ngắn, Giáo hội sẽ nhận ra rằng mình đã trở nên giống như một cái vỏ rỗng, mất hết phương vị, không còn một chút nguồn ấm áp và tình yêu nào của mình nữa...” (ĐTC Phanxicô, 14/04/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

SỨ ĐIỆP TRUYỀN GIÁO 2020 (ĐTC Phanxicô)


“Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8) “Trong năm nay, năm được ghi dấu bởi những đau khổ và thách đố do đại dịch Covid-19 gây ra, con đường truyền giáo này của toàn Giáo hội tiếp tục được tìm thấy dưới ánh sáng trong tường thuật ơn gọi của tiên tri Isaia: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Đây là câu trả lời luôn luôn mới trước câu hỏi của Chúa: “Ta sẽ sai ai đây?” (nt.). Lời kêu gọi này xuất phát từ con tim của Thiên Chúa, từ lòng thương xót của Người, chất vấn cả Giáo hội và nhân loại trong cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay. “Như các môn đệ trong bài Tin Mừng, chúng ta bất ngờ bị bão tố hung bạo vùi dập. Chúng ta nhận thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất hướng, nhưng đồng thời tất cả đều quan trọng và cần thiết, tất cả được kêu gọi cùng chèo với nhau, tất cả đều cần an ủi nhau. Tất cả chúng ta đều ở trên con thuyền ấy. Như những môn đệ trong bài Tin Mừng đồng thanh và lo âu nói với nhau: ‘Chúng ta chết mất’ (Mc 4,38), chúng ta cũng nhận thấy mình không thể tiến bước nếu mỗi người chỉ lo cho mình, nhưng phải cùng nhau.” (Suy niệm tại Quảng trường Thánh Phêrô, 27 tháng 3 năm 2020). Chúng ta thực sự hoảng sợ, mất phương hướng và khiếp đảm. Đau đớn và cái chết làm cho chúng ta cảm nghiệm sự yếu đuối của con người; nhưng đồng thời nhắc nhở chúng ta về một khát vọng mạnh mẽ về sự sống và về việc được giải thoát khỏi sự dữ. Trong bối cảnh này, lời mời gọi loan báo Tin Mừng, lời mời ra khỏi chính mình vì tình yêu Thiên Chúa và người lân cận được trình bày như một cơ hội để chia sẻ, phục vụ và cầu bầu. Sứ vụ mà Thiên Chúa giao phó cho mỗi người đi từ cái tôi sợ hãi và khép kín đến cái tôi được tìm thấy và đổi mới từ chính việc trao ban chính mình cho người khác. ... Hiểu những gì Thiên Chúa đang nói với chúng ta trong thời điểm đại dịch này cũng trở thành một thách đố cho sứ mạng của Giáo hội. Bệnh tật, đau khổ, sợ hãi, cách ly chất vấn chúng ta. Cái nghèo của người phải chết trong cô đơn, của người bị bỏ rơi, của những người bị mất việc làm và không có tiền lương, của những người không có nhà cửa và thực phẩm chất vấn chúng ta. Khi bị buộc phải ở nhà, chúng ta được mời tái khám phá, chúng ta cần tương quan xã hội, và cả tương quan cộng đoàn với Thiên Chúa. Xa cách gia tăng sự ngờ vực và thờ ơ, tình trạng này làm chúng ta phải chú ý hơn đến cách chúng ta sống tương quan với người khác. Và cầu nguyện, trong đó Thiên Chúa chạm đến và lay động trái tim của chúng ta, mở ra cho chúng ta nhu cầu về tình yêu, phẩm giá và tự do của anh chị em chúng ta, cũng như trách nhiệm của chúng ta trong việc chăm sóc cho mọi sáng tạo. ... Cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo cũng có nghĩa là tái khẳng định cách cầu nguyện, suy tư và giúp đỡ vật chất cho công cuộc loan báo Tin Mừng; là cơ hội để tích cực tham gia vào sứ mạng của Chúa Giêsu trong Giáo hội của Người. Bác ái được thể hiện ở việc quyên góp trong các nghi thức phụng vụ vào Chúa nhật thứ Ba của tháng 10 tới đây, nhằm hỗ trợ công cuộc truyền giáo được các Hội Truyền giáo Giáo hoàng thực hiện nhân danh tôi, nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của các dân tộc và các Giáo hội trên khắp thế giới vì ơn cứu độ của tất cả. Xin Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Ngôi sao loan báo Tin Mừng và Đấng An ủi người sầu khổ, môn đệ truyền giáo của Chúa Giêsu, tiếp tục cầu thay cho chúng ta và nâng đỡ chúng ta.” (ĐTC Phanxicô)
Đọc tiếp »

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

ĐỨC TIN THƯƠNG MẠI hay TIN YÊU ? (ĐTC Phanxicô, 10/10/2021)


Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Phụng vụ hôm nay trình bày với chúng ta cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một người “có nhiều của cải” (Mc 10,22), và là người đã đi vào lịch sử với danh xưng “người thanh niên giàu có” (x. Mt 19, 20-22). Chúng ta không biết tên của anh ấy. Tin Mừng Máccô thực sự chỉ nói về anh ta như “một người đàn ông”, mà không đề cập đến tuổi tác hay tên của anh ta. Điều đó cho thấy rằng tất cả chúng ta có thể nhìn thấy chính mình trong người đàn ông này, như thể trong một tấm gương. Trên thực tế, cuộc gặp gỡ của anh ta với Chúa Giêsu cho phép chúng ta thử thách đức tin của mình. Đọc điều này, tôi tự kiểm tra đức tin của mình.
Người đàn ông bắt đầu bằng một câu hỏi: “Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” (câu 17). Chú ý những động từ anh ấy sử dụng: “phải làm” - “hưởng”. Đây là đức tính tôn giáo của anh ta: một bổn phận, một việc phải làm như thế nào để đạt được; Tôi làm điều gì đó để có được thứ mình cần”. Nhưng đây là một mối quan hệ thương mại với Chúa, một mối quan hệ có qua có lại. Nhưng, đức tin không phải là một nghi lễ máy móc, lạnh lùng, là một thứ “phải làm để được điều này điều kia”. Đức tin là một vấn đề về tự do và tình yêu. Đây là bài kiểm tra đầu tiên: đối với tôi đức tin là gì? Nếu nó chủ yếu là nghĩa vụ hoặc một con bài mặc cả, chúng ta đang đi chệch hướng, bởi vì ơn cứu rỗi là một món quà chứ không phải một nghĩa vụ, nó là nhưng không và không thể mua được. Điều đầu tiên cần làm là giải phóng chúng ta khỏi một đức tin thương mại và máy móc, điều này ám chỉ hình ảnh sai lầm về một vị thần kế toán và kiểm soát, không phải là một người cha. Và rất thường xuyên trong cuộc sống, chúng ta kinh nghiệm mối quan hệ “thương mại” này của đức tin: Tôi làm điều này, để Chúa sẽ ban cho tôi điều kia.
Trong bước thứ hai, Chúa Giêsu giúp người đàn ông này bằng cách đưa ra cho anh ta khuôn mặt thật của Thiên Chúa. Thật vậy, bản văn nói, “Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương” (câu 21): đây là Thiên Chúa! Đây là nơi đức tin được sinh ra và tái sinh: không phải từ nghĩa vụ, không phải từ việc phải làm hoặc phải trả, mà là từ cái nhìn yêu thương được chào đón. Bằng cách này, đời sống Kitô Hữu trở nên đẹp đẽ, nếu nó không dựa trên khả năng và kế hoạch của chúng ta; nhưng dựa trên cái nhìn của Chúa. Niềm tin của anh chị em, niềm tin của tôi có mệt mỏi không? Anh chị em có muốn phục hồi nó không? Hãy tìm cái nhìn của Chúa: ngồi chầu thánh thể, cho phép mình được tha tội khi xưng tội, đứng trước Đấng bị đóng đinh. Tóm lại, hãy để bản thân mình được Chúa yêu. Đây là điểm khởi đầu của đức tin: để mình được yêu thương bởi Người, bởi Cha…” (ĐTC Phanxicô, 10/10/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2022

SỐNG THEO THÁNH GIOAN 23


“Mười Điều Tâm Niệm” mà ngài đã đề ra cho mình:
1. Ngày hôm nay, tôi sẽ sống tích cực trọn vẹn, chứ không tìm cách giải quyết mọi vấn đề của đời mình.
2. Ngày hôm nay, tôi sẽ chú ý đặc biệt đến dáng vẻ của mình: ăn mặc đơn sơ, không lớn tiếng, lịch sự trong cách ứng xử; tôi sẽ không phê phán ai; tôi cũng sẽ không đòi ai phải ứng xử hoặc kỷ luật ai, trừ ra chính con người của mình.
3. Ngày hôm nay, tôi vui sướng tin chắc rằng tôi được tạo dựng để sống hạnh phúc, không chỉ cho đời sau mà ngay cả từ đời này.
4. Ngày hôm nay, tôi sẽ sống theo hoàn cảnh của mình, mà không đòi hỏi hoàn cảnh phải phù hợp với những ước muốn của tôi.
5. Ngày hôm nay, tôi sẽ dành 10 phút để đọc điều gì thật hữu ích, và luôn nhớ rằng lương thực cần cho cuộc sống như thế nào thì đọc điều hữu ích cũng cần thiết để nuôi dưỡng cho linh hồn mình như vậy.
6. Ngày hôm nay, tôi sẽ làm một điều tốt mà không kể cho ai nghe.
7. Ngày hôm nay, tôi sẽ làm ít nhất một điều tôi không thích: và nếu tôi bị tổn thương, thì tôi cũng không cho ai biết điều này.
8. Ngày hôm nay, tôi sẽ hoạch định một chương trình cho riêng tôi: tôi có thể không theo sát được từng chữ, nhưng tôi sẽ có một chương trình như thế. Và tôi sẽ đề phòng hai điều tai hại: cẩu thả và lừng khừng, không dám quyết tâm.
9. Ngày hôm nay, tôi tin chắc rằng, dù thế nào đi nữa, thì Thiên Chúa vẫn yêu thưong tôi như chỉ có mình tôi trên thế gian này.
10. Ngày hôm nay, tôi sẽ không sợ hãi gì. Tôi sẽ không ngần ngại thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên và tin tưởng vào lòng nhân ái của con người và cuộc đời.
Thực thế, trong vòng 12 tiếng đồng hồ, tôi chắc chắn có thể làm tốt điều mà tôi nghĩ rằng sẽ thật kinh hoàng nếu phải làm nó suốt cả đời. Amen.
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

TRỞ NÊN NHỎ BÉ (ĐTC Phanxicô, 03/10/2021)


“…Chúa Giêsu nói : “Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó” (Mc 10, 15). Đây là điều mới mẻ: người môn đệ không chỉ phải phục vụ những người nhỏ bé, mà còn phải nhìn nhận mình là một người nhỏ bé.
Và mỗi người chúng ta, chúng ta có nhận mình là nhỏ bé trước mặt Chúa không? Hãy suy nghĩ về điều đó, nó sẽ giúp chúng ta. Ý thức mình là nhỏ bé, ý thức về sự cần thiết của ơn cứu rỗi là không thể thiếu để tiếp nhận Chúa. Đó là bước đầu tiên trong việc mở lòng đón nhận Ngài. Tuy nhiên, chúng ta thường quên điều này. Khi sống trong thịnh vượng, trong sự sung túc, chúng ta có ảo tưởng tự mãn, rằng chúng ta đủ rồi, rằng chúng ta không cần Chúa. Thưa anh chị em, đây là một sự lừa dối, vì mỗi người chúng ta đều là những người cần, đều là những người nhỏ bé. Chúng ta phải tìm kiếm sự nhỏ bé của mình và nhận ra nó. Và ở đó, chúng ta sẽ tìm thấy Chúa Giêsu.
Trong cuộc sống, nhận ra sự nhỏ bé của bản thân là điểm khởi đầu để trở nên vĩ đại. Nếu chúng ta nghĩ về điều đó, chúng ta trưởng thành không hệ tại quá nhiều trên những thành công của chúng ta và những thứ chúng ta có, mà hơn hết là trong những khoảnh khắc khó khăn và mong manh. Ở đó, trong sự cần thiết của chúng ta, chúng ta trưởng thành; ở đó chúng ta mở rộng tâm hồn mình cho Chúa, cho người khác, cho ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta hãy mở rộng tầm mắt của chúng ta với những người khác.
Hãy để chúng ta mở rộng tầm mắt, về ý nghĩa thực sự của cuộc sống và nhận thức về sự nhỏ bé của chúng ta. Khi chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé trước một vấn đề, nhỏ bé trước thập giá, bệnh tật, khi chúng ta gặp mệt mỏi và cô đơn, chúng ta đừng nản lòng. Mặt nạ của sự hời hợt đang rơi xuống và sự yếu đuối triệt để của chúng ta đang tái xuất hiện: đó là điểm chung của chúng ta, là kho tàng của chúng ta, bởi vì với Thiên Chúa, sự yếu đuối không phải là một trở ngại mà là một cơ hội. Một lời cầu nguyện tuyệt vời sẽ là thế này: “Lạy Chúa, xin nhìn vào sự yếu đuối của con…” và liệt kê chúng trước mặt Ngài. Đây là một thái độ tốt trước mặt Chúa…” (ĐTC Phanxicô, 03/10/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

CHĂM SÓC NGÔI NHÀ CHUNG (trái đất) (ĐTC Phanxicô, 16/09/2020)


“...Điều quan trọng là phải tái khám phá chiều kích chiêm niệm, tức là nhìn vào trái đất, nhìn công trình sáng tạo (sáng thế) như một hồng phúc, không phải như một điều để khai thác kiếm lợi: không. Khi chúng ta chiêm niệm, chúng ta khám phá ra nơi những người khác và nơi thiên nhiên một điều gì đó lớn hơn tính hữu dụng của họ. Đây là trọng tâm của vấn đề: việc chiêm niệm vượt ra ngoài tính hữu dụng của một điều gì đó. Chiêm niệm cái đẹp không có nghĩa là bóc lột nó, không: chiêm niệm. Nó có tính tự do. Chúng ta khám phá ra giá trị nội tại của những sự vật được Thiên Chúa ban cho chúng. Như nhiều bậc thầy linh đạo đã dạy chúng ta, trời, đất, biển và mọi tạo vật đều có khả năng mang tính biểu tượng này, hoặc khả năng huyền bí này để đưa chúng ta trở lại với Đấng Tạo Dựng và hiệp thông với sáng thế. Chẳng hạn, Thánh Inhaxiô thành Loyola, ở cuối cuốn Linh Thao của ngài, mời gọi chúng ta thực hiện “Chiêm niệm để tiến tới yêu thương”, nghĩa là xem xét việc Thiên Chúa nhìn các tạo vật của Người và vui mừng vì chúng như thế nào; để khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong các tạo vật của Người, với sự tự do và ân sủng, để yêu thương và chăm sóc chúng.
Sự chiêm niệm, trong khi dẫn chúng ta đến một thái độ quan tâm, không phải là vấn đề nhìn vào thiên nhiên từ bên ngoài, như thể chúng ta không đắm mình trong đó. Nhưng chúng ta ở bên trong thiên nhiên, chúng ta là một phần của thiên nhiên. Đúng hơn, việc này được thực hiện từ bên trong, nhìn nhận chúng ta là một phần của sáng thế, khiến chúng ta trở thành những người chủ đạo chứ không chỉ là những khán giả đơn thuần của một thực tại vô định hình chỉ để được khai thác. Những người chiêm niệm theo cách này cảm nghiệm không những sự ngạc nhiên đối với những gì họ nhìn thấy mà còn bởi vì họ cảm thấy họ là một phần làm nên vẻ đẹp này; và họ cũng cảm thấy được kêu gọi để trông nom nó và bảo vệ nó. Và có một điều chúng ta không được quên: Những ai không thể chiêm niệm thiên nhiên và sáng thế, thì cũng không thể chiêm niệm con người trong sự phong phú đích thực của họ. Và những người sống để khai thác thiên nhiên rốt cục sẽ bóc lột con người và đối xử với họ như nô lệ. Đó là một quy luật phổ quát. Nếu không thể chiêm niệm thiên nhiên, anh chị em sẽ rất khó chiêm niệm con người, vẻ đẹp của con người, anh của anh chị em, chị của anh chị em. Tất cả chúng ta...” (ĐTC Phanxicô, 16/09/2020)
Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2022

PHÂN ĐỊNH: THẤY Ý CHÚA TRONG TÌNH CỜ (ĐTC Phanxicô, 07/09/2022)


“…Anh chị em hãy nghe cho kỹ: Thiên Chúa hoạt động thông qua những biến cố không thể lường trước được, vì chúng xảy ra một cách tình cờ; tình cờ điều này xảy ra với tôi, và tình cờ tôi gặp người này, tình cờ tôi xem bộ phim này. Nó không được lên kế hoạch nhưng Thiên Chúa hoạt động thông qua những biến cố không thể lên kế hoạch được, và qua cả các rủi ro: “Đáng lẽ tôi phải đi dạo

nhưng tôi có vấn đề ở chân, tôi không thể…”. Rủi ro: Thiên
Chúa đang nói gì với anh chị em? Cuộc sống đang nói với anh chị em điều gì ở đó?
Chúng ta cũng đã thấy điều này trong một đoạn của Tin Mừng Mátthêu: một người đàn ông đang cày ruộng tình cờ bắt gặp kho báu được chôn giấu. Một tình huống hoàn toàn bất ngờ. Nhưng điều quan trọng là họ nhận ra đó là cơ hội may mắn của cuộc đời mình và quyết định một cách tương ứng: họ bán tất cả mọi thứ và mua thửa ruộng đó (x.Mt 13,44).
Tôi xin hiến anh chị em một lời khuyên: hãy lưu ý tới điều bất ngờ. Người nói với anh chị em: "Nhưng tôi không mong đợi điều này". Có phải cuộc sống đang nói với anh chị em, có phải Chúa đang nói với anh chị em, hay là ma quỷ? Một ai đó. Nhưng có một điều gì đó cần biện phân, tôi phải phản ứng ra sao khi đối diện với những điều bất ngờ. Nhưng tôi đang yên ổn ở nhà và "Bùm!" - mẹ chồng tôi đến; và chị em phản ứng thế nào với bà mẹ chồng? Bằng tình yêu hay một điều gì khác ở bên trong? Anh chị em phải biện phân. Tôi đang làm việc tốt ở văn phòng, và một người bạn đồng sở đến nói với tôi rằng anh ta cần tiền: bạn phản ứng thế nào? Anh chị em thấy điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta trải qua những điều chúng ta không mong đợi, và ở đó chúng ta có thể học cách hiểu trái tim mình khi nó chuyển động.
Biện phân là trợ cụ giúp nhận ra các tín hiệu mà Chúa tự tỏ mình ra trong những tình huống bất ngờ, thậm chí khó chịu, như vết thương ở chân dành cho Thánh Inhaxiô. Một cuộc gặp gỡ thay đổi cuộc đời có thể nảy sinh từ chúng, mãi mãi, như trường hợp của Thánh Inhaxiô. Một điều gì đó có thể phát sinh khiến anh chị em trở nên tốt hơn dọc đường đi, hoặc tệ hơn, tôi không biết, nhưng anh chị em hãy cẩn thận; sợi chỉ đẹp nhất được trao cho chúng ta bởi điều bất ngờ: "Tôi phải hành động như thế nào khi thấy điều này?" Xin Chúa giúp chúng ta biết lắng nghe tâm hồn mình và biết khi nào thì chính Người là người hành động và khi nào thì không, và đó là một điều gì khác.” (ĐTC Phanxicô, 07/09/2022)
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2022

ĐỌC HẠNH CÁC THÁNH (ĐTC Phanxicô, 07/09/2022)\

\


“Một trong những điển hình có tính giáo huấn nhiều nhất được Thánh Inhaxiô thành Loyola cung cấp cho chúng ta, với một tình tiết có tính quyết định trong cuộc đời của ngài. Thánh Inhaxiô đang ở nhà dưỡng bệnh, sau khi bị thương ở chân trong một trận chiến. Để xua tan cảm giác buồn chán, ngài xin một thứ gì đó để đọc. Ngài thích những câu chuyện về tinh thần hiệp sĩ, nhưng tiếc l

à ở nhà chỉ có thể tìm thấy hạnh các thánh. Ngài miễn cưỡng chấp thuận, nhưng
trong quá trình đọc, ngài bắt đầu khám phá một thế giới khác, một thế giới chinh phục ngài và xem ra cạnh tranh với thế giới hiệp sĩ. Ngài bị cuốn hút bởi các nhân vật Thánh Phanxicô và Thánh Đa Minh, và cảm thấy muốn bắt chước họ. Nhưng thế giới của tinh thần hiệp sĩ cũng tiếp tục phát huy sức hút của nó đối với ngài. Và như vậy, trong chính bản thân ngài, ngài cảm thấy trong mình sự luân phiên của các ý nghĩ - ý nghĩ hiệp sĩ và ý nghĩ các thánh - dường như chúng cân bằng với nhau…
Đây là lý do tại sao Thánh Inhaxiô sẽ tiếp tục đề nghị người ta đọc các sách về cuộc đời các thánh, bởi vì chúng cho thấy phong cách của Thiên Chúa trong cuộc sống của những con người không khác chúng ta lắm, trong một lối tường thuật dễ hiểu, bởi vì các thánh được tạo ra bằng xương bằng thịt như chúng ta. Hành động của các ngài nói với các hành động của chúng ta, và các ngài giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của chúng.
Trong tình tiết nổi tiếng đó về hai cảm xúc mà Thánh Inhaxiô có được, một là khi đọc về các hiệp sĩ và hai là khi đọc về cuộc đời của các thánh, chúng ta có thể nhận ra một khía cạnh quan trọng khác của sự biện phân mà chúng ta đã đề cập lần trước. Có một sự ngẫu nhiên biểu kiến trong các biến cố của cuộc sống: mọi thứ dường như phát sinh từ một rủi ro tầm thường - không có sách nào về hiệp sĩ, chỉ có hạnh các thánh. Một rủi ro, tuy nhiên, lại giữ một bước ngoặt có thể xảy ra. Chỉ sau một thời gian, Thánh Inhaxiô mới nhận ra điều đó, lúc ngài dành hết sự quan tâm của mình cho nó…” (ĐTC Phanxicô, 07/09/2022)\
Đọc tiếp »

TÌNH YÊU LIÊN ĐỚI… (ĐTC Phanxicô, 09/09/2020)


“... Coronavirus đang cho chúng ta thấy rằng thiện ích thực sự của mỗi con người là thiện ích chung, không chỉ có tính cá nhân, và ngược lại, thiện ích chung là thiện ích thực sự cho con người. (xem Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 1905-1906). Nếu người ta chỉ tìm kiếm thiện ích của riêng mình, họ sẽ là người ích kỷ. Thay vào đó, người ta sẽ nhân từ hơn, cao thượng hơn, khi thiện ích

riêng của họ được mở ra cho mọi người, khi nó được chia sẻ. Sức khỏe, ngoài việc là thiện ích cá nhân, còn là thiện ích chung. Một xã hội lành mạnh là một xã hội biết chăm sóc sức khỏe của mọi người.
Loại vi-rút nào không thừa nhận rào cản, biên giới, hoặc sự phân biệt về văn hóa hoặc chính trị, phải đối diện với một tình yêu không có rào cản, không có biên giới hay sự phân biệt. Tình yêu này có thể tạo ra các cơ cấu xã hội nhằm khuyến khích chúng ta chia sẻ hơn là cạnh tranh, cho phép chúng ta, bao gồm những người dễ bị tổn thương nhất, và không gạt họ sang một bên, điều này giúp chúng ta biểu lộ những gì tốt đẹp nhất trong bản chất con người của chúng ta, chứ không phải điều tồi tệ nhất. Tình yêu đích thực không biết đến nền văn hóa vứt bỏ, không biết nó là thế nào. Thực thế, khi chúng ta yêu thương và phát sinh ra tính sáng tạo, khi chúng ta tạo ra niềm tin và tình liên đới, thì đó là lúc các sáng kiến cụ thể xuất hiện vì thiện ích chung. Và điều này có giá trị ở cả bình diện các cộng đồng nhỏ nhất lẫn lớn nhất, cũng như ở bình diện quốc tế.
Những gì được thực hiện trong gia đình, những gì được thực hiện trong khu phố, những gì được thực hiện ở làng quê, những gì được thực hiện ở các thành phố lớn và quốc tế đều y như nhau, cùng là một hạt giống như nhau lớn lên, phát triển, lớn lên và đơm hoa kết trái. Nếu trong gia đình anh chị em, trong khu phố anh chị em, bắt đầu bằng sự đố kỵ, bằng những trận chiến, thì cuối cùng sẽ có chiến tranh. Thay vào đó, nếu anh chị em bắt đầu bằng tình yêu thương, biết chia sẻ yêu thương, sự tha thứ thì sẽ có tình yêu thương và sự tha thứ cho mọi người...” (ĐTC Phanxicô, 09/09/2020)
Đọc tiếp »

TÌNH YÊU (ĐTC Phanxicô, 09/09/2020)


“... Đáp ứng của Kitô hữu đối với đại dịch và cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội là đặt căn bản trên tình yêu, trên hết là tình yêu Thiên Chúa, Đấng luôn đi trước chúng ta (x. 1Ga 4, 19). Người yêu chúng ta trước, Người luôn đi trước chúng ta trong tình yêu và các giải pháp. Người yêu chúng ta vô điều kiện và khi chúng ta chào đón tình yêu thần thiêng này, chúng ta cũng biết đáp ứng tương tự. Tôi không chỉ yêu những người yêu tôi - gia đình tôi, bạn bè tôi, nhóm của tôi - mà tôi còn yêu những người không yêu tôi, tôi cũng yêu những người không biết tôi hoặc những người xa lạ, và cả những người làm tôi đau khổ, hoặc người mà tôi coi là kẻ thù (x.Mt 5, 44). Đó là sự khôn ngoan của Kitô hữu, đó là cách Chúa Giêsu đã hành động. Và điểm cao nhất của sự thánh thiện, ta hãy nói như thế, là yêu các kẻ thù của mình, một điều không dễ dàng, không dễ dàng chút nào. Chắc chắn, yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù, là điều rất khó - tôi có thể nói rằng nó thậm chí còn là một nghệ thuật! Nhưng ta có thể học và cải thiện một nghệ thuật. Tình yêu đích thực, tức tình yêu khiến chúng ta sinh hoa kết trái và tự do, luôn luôn có tính mở rộng, và tình yêu đích thực không chỉ có tính mở rộng mà thôi, nó còn có tính bao gồm nữa. Tình yêu này biết quan tâm, chữa lành và làm điều tốt. Biết bao nhiêu lần một cái vuốt ve còn tốt hơn nhiều lý lẽ tranh luận, một cái vuốt ve, có thể nói, để tha thứ thay vì nhiều luận điểm để bảo vệ chính mình. Chính tình yêu có tính chữa lành ta...

Chúng ta biết rằng tình yêu làm cho gia đình và tình bạn thăng hoa; nhưng ta nên nhớ rằng nó cũng làm cho các mối tương quan xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị phát triển mạnh mẽ, cho phép chúng ta xây dựng một “nền văn minh của tình yêu”, như Thánh Phaolô VI thường nói và cả Thánh Gioan Phaolô II nữa. Không có nguồn cảm hứng này, nền văn hóa vị kỷ, thờ ơ, vứt bỏ sẽ thịnh hành - nghĩa là loại bỏ bất cứ điều gì tôi không thích, bất cứ người nào tôi không thể yêu hoặc những ai đối với tôi dường như không có ích gì cho xã hội.

Hôm nay ở cổng vào, một cặp vợ chồng đã nói với tôi: "xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho con (chúng con) vì chúng con có một đứa con trai bị khuyết tật". Tôi hỏi: "cháu mấy tuổi?" "cháu khá lớn". "Và bà làm gì?" "Chúng con tháp tùng cháu, giúp đỡ cháu”. Cả đời làm cha mẹ cho đứa con trai tàn tật đó. Đó là tình yêu. Còn các kẻ thù, những chính trị gia đối địch, theo ý kiến của chúng ta, dường như là các chính trị gia “tàn tật”, về phương diện xã hội, nhưng dường như họ là như vậy. Chỉ có Thiên Chúa mới biết liệu họ có thực sự như vậy hay không. Nhưng chúng ta phải yêu họ, chúng ta phải đối thoại, chúng ta phải xây dựng nền văn minh của tình yêu này, nền văn minh chính trị và xã hội này của sự đoàn kết toàn thể nhân loại. Mặt khác, chiến tranh, chia rẽ, đố kỵ, thậm chí các cuộc chiến tranh trong gia đình: bởi vì tình yêu có tính bao hàm là tình yêu có tính xã hội, nó có tính gia đình, nó có tính chính trị… tình yêu thấm nhiễm mọi sự...” (ĐTC Phanxicô, 09/09/2020)
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

PHÂN ĐỊNH: LẮNG NGHE CON TIM (ĐTC Phanxicô, 07/09/2022)


“Có một lịch sử đi trước người biết phân định, một lịch sử mà người ta buộc phải biết, vì biện phân hay phân định không phải là một loại sấm ngôn [oracle] hay thuyết định mệnh, hoặc một điều gì đó từ phòng thí nghiệm, như đánh cuộc số phận mình trên hai khả thể. Các vấn đề lớn xuất hiện khi chúng ta đã đi được một đoạn đường trong cuộc đời, và chúng ta phải quay trở

lại đoạn đường đó, để hiểu những gì chúng ta đang tìm kiếm. Nếu, trong cuộc sống,
chúng ta đạt được một chút tiến bộ, thì: “Nhưng tại sao tôi lại đi theo hướng này, tôi đang tìm kiếm điều gì?”, Và đó là chỗ để việc biện phân diễn ra. Khi thấy mình bị thương trong nhà của cha mình, Thánh Inhaxiô hoàn toàn không nghĩ gì tới Thiên Chúa, hay cách cải tạo cuộc sống của mình, không. Ngài có được trải nghiệm đầu tiên về Thiên Chúa bằng cách lắng nghe trái tim mình, điều này khiến ngài có một sự đảo ngược lạ lùng: những thứ hấp dẫn từ cái nhìn đầu tiên đã làm ngài vỡ mộng, trong khi ở những thứ khác, bớt sáng chói hơn, ngài tìm thấy sự bình an lâu dài.
Chúng ta cũng có trải nghiệm đó; rất thường xuyên, chúng ta bắt đầu nghĩ về một điều gì đó, và chúng ta dừng lại ở đó, và sau đó chúng ta thất vọng. Ngược lại, nếu chúng ta thực hiện một công việc bác ái, làm một hành vi tốt và cảm thấy đôi chút hạnh phúc, một ý nghĩ tốt đến với chúng ta và hạnh phúc đến với chúng ta, một điều gì đó vui vẻ và đó là một trải nghiệm hoàn toàn là của chúng ta. Ngài, Thánh Inhaxiô đã có kinh nghiệm đầu tiên về Thiên Chúa bằng cách lắng nghe trái tim của chính ngài, điều đó cho thấy ngài đã có một sự đảo ngược kỳ lạ. Đây là những gì chúng ta phải học hỏi: lắng nghe trái tim của chính mình, để biết điều gì đang xảy ra, phải đưa ra quyết định gì, để đưa ra một phán đoán nào đó về một tình huống, người ta phải lắng nghe trái tim của chính mình. Chúng ta nghe truyền hình, truyền thanh, điện thoại di động; chúng ta là chuyên gia lắng nghe, nhưng tôi hỏi anh chị em: anh chị em có biết cách lắng nghe trái tim của mình không? Anh chị em có dừng lại để hỏi: “Nhưng trái tim tôi thì thế nào? Có hài lòng không, có buồn không, có đang tìm kiếm điều gì không?”. Để đưa ra các quyết định đúng đắn, anh chị em cần lắng nghe trái tim mình.” (ĐTC Phanxicô, 07/09/2022)
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2022

ĐỪNG XÂY NHÀ CAO TẦNG MÀ PHÁ HUỶ CỘNG ĐỒNG… (ĐTC Phanxicô, 02/09/2020)


“...Kinh thánh, ngay từ đầu, đã cảnh cáo chúng ta về điều này. Hãy nghĩ đến câu chuyện về Tháp Babel (xem St 11, 1-9); câu chuyện này mô tả những gì xảy ra khi chúng ta cố gắng vươn tới trời- tức là đích đến của chúng ta – mà bỏ qua mối ràng buộc của chúng ta với nhân loại, tạo vật và Đấng Tạo Hóa. Đây là một kiểu nói văn hoa. Điều này xảy ra bất cứ khi nào ai đó muốn leo lên và leo lên mà không lưu ý gì tới người khác. Chỉ bản thân tôi, phải không? Hãy nghĩ tới ngọn tháp.
Chúng ta đang xây những ngọn tháp và các tòa nhà chọc trời, nhưng chúng ta đang phá hủy cộng đồng. Chúng ta thống nhất các tòa nhà và ngôn ngữ, nhưng chúng ta bóp chết tính phong phú của văn hóa. Chúng ta muốn trở thành chủ nhân của Trái đất, nhưng chúng ta lại hủy hoại sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái. Trong một buổi yết kiến khác, tôi đã nói về những ngư dân phát xuất từ San Benedetto del Tronto, những người từng đến đây năm nay, và họ nói với tôi rằng năm nay: “Chúng con đã vớt 24 tấn chất thải khỏi biển, một nửa trong số đó là chất nhựa”. Hãy nghĩ đến việc những người này có nhiệm vụ bắt cá - vâng - nhưng cũng từ chối, và ra khơi để làm sạch biển. Không có tình liên đới, trái đất vốn là một hồng phúc, sẽ mất sự cân bằng sinh thái, sẽ hủy hoại trái đất...” (ĐTC Phanxicô, 02/09/2020)
Đọc tiếp »

THOÁT DỊCH PHẢI TỐT HƠN, LIÊN ĐỚI YÊU THƯƠNG HƠN (ĐTC Phanxicô, 02/09/2020)


“... Lễ Ngũ tuần hoàn toàn trái ngược với Tháp Babel (xin xem Công vụ 2, 1-3), chúng ta đã nghe ở phần đầu của buổi yết kiến. Chúa Thánh Thần, từ trên cao ngự xuống như gió và lửa, lướt trên cộng đoàn đang co cụm trong Nhà Tiệc Ly, truyền sức mạnh của Thiên Chúa cho họ, và thôi thúc họ ra đi loan báo Chúa Giêsu cho mọi người. Thần Khí tạo ra sự hợp nhất trong đa dạng; Người tạo ra sự hài hòa.
Trong câu chuyện Tháp Babel, không có sự hài hòa nào; chỉ thôi thúc tiến lên để kiếm tiền. Ở đó, những người khác chỉ đơn giản là dụng cụ, chỉ là “nhân lực”, nhưng ở đây, trong Lễ Ngũ Tuần, mỗi người chúng ta là một công cụ, nhưng là một công cụ cộng đồng tham gia đầy đủ vào việc xây dựng cộng đồng. Thánh Phanxicô Assisi biết rõ điều này, và được Thần Khí linh ứng, ngài đã gọi mọi người, thực sự mọi tạo vật, là anh chị em (xin xem Laudato Si' 11; xin xem LS 11; xem Thánh Bonaventure, Legenda maior, VIII, 6: FF 1145). Thâm chí, anh sói, hãy nhớ điều đó. Với Lễ Ngũ Tuần, Thiên Chúa làm cho chính Người hiện diện và soi dẫn đức tin của cộng đồng hợp nhất trong đa dạng và liên đới. Sự đa dạng và liên đới hợp nhất trong hài hòa, đó mới là cách.
Sự đa dạng trong liên đới sở hữu nhiều “kháng thể” bảo đảm rằng tính độc đáo của mỗi con người – vốn là một hồng phúc, độc đáo và không thể lặp lại được - không bị chủ nghĩa duy cá nhân, tính ích kỷ làm cho bệnh hoạn. Sự đa dạng trong liên đới cũng sở hữu các kháng thể có thể hàn gắn các cơ cấu và diễn trình xã hội từng thoái hóa trở thành các hệ thống bất công, các hệ thống áp bức (xem Bản Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội, 192). Do đó, liên đới ngày nay là con đường phải đi hướng tới một thế giới hậu đại dịch, hướng tới việc chữa lành những căn bệnh xã hội và liên ngã của chúng ta. Không có con đường nào khác. Hoặc là chúng ta cùng đi trên con đường liên đới, hoặc là mọi sự sẽ trở nên tồi tệ hơn. Tôi muốn nhắc lại điều này: người ta sẽ không thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng mà vẫn y như trước đây. Đại dịch là một cuộc khủng hoảng. Chúng ta thoát khỏi khủng hoảng một là tốt hơn hai là tệ hơn trước. Tùy ý chúng ta lựa chọn. Và liên đới thực sự là một cách để thoát khỏi khủng hoảng mà được tốt hơn, chứ không phải bằng những thay đổi phiến diện, với một lớp sơn mới để mọi thứ trông đều ổn. Không. Phải tốt hơn!” (ĐTC Phanxicô, 02/09/2020)
Đọc tiếp »

BIẾT LẮNG NGHE (ĐTC Phanxicô, 05/09/2021)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng trong phụng vụ ngày hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã chữa lành một người điếc không thể nói được. Điều nổi bật trong câu chuyện này là cách Chúa thực hiện dấu chỉ phi thường này. Ngài đưa người đàn ông bị điếc sang một bên, đặt ngón tay vào tai người ấy và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” nghĩa là, “Hãy mở ra!” (x. Mc 7, 33-34). Trong những sự chữa lành khác, đối với những bệnh tật nghiêm trọng như bại liệt hoặc phong cùi, Chúa Giêsu đã không làm nhiều điều như vậy. Vậy tại sao Ngài lại làm tất cả những điều này, mặc dù họ chỉ yêu cầu Ngài đặt tay lên người bệnh (xem c.32)? Có thể đó là vì tình trạng của người đó có một giá trị biểu tượng đặc biệt.
Tình trạng điếc cũng là một biểu tượng có thể nói lên điều gì đó đối với tất cả chúng ta. Vậy biểu tượng này là gì? Thưa: Điếc. Người đàn ông đó không thể nói bởi vì anh ta không thể nghe thấy. Để chữa lành nguyên nhân gây ra bệnh tật của người ấy, Chúa Giêsu, trên thực tế, đặt những ngón tay của mình trước hết vào tai của người đàn ông, sau đó miệng của anh ta, nhưng trước hết là vào đôi tai của anh ta.
Tất cả chúng ta đều có tai, nhưng rất thường xuyên chúng ta không thể nghe thấy. Tại sao thế? Thưa anh chị em, có một chứng điếc nội tâm mà chúng ta có thể xin Chúa Giêsu chạm vào và chữa lành ngay hôm nay. Đó là điếc nội tâm, tệ hơn điếc thể chất, vì nó là chứng điếc lác của con tim. Vội vã bởi quá nhiều điều phải nói và làm, chúng ta không tìm thấy thời gian để dừng lại và lắng nghe những người muốn nói với chúng ta.
Chúng ta có nguy cơ trở nên vô cảm trước mọi thứ và không còn chỗ cho những người cần được lắng nghe. Tôi đang nghĩ về trẻ em, thanh niên, người già, những người không thực sự cần những lời nói và các bài giảng, nhưng cần được lắng nghe. Chúng ta hãy tự hỏi: khả năng lắng nghe của tôi đang như thế nào đây? Tôi có để mình xúc động trước cuộc sống của người ta không? Tôi có biết dành thời gian cho những người thân thiết với tôi để lắng nghe họ không?” (ĐTC Phanxicô, 05/09/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

TẬP PHÂN ĐINH ĐỂ SỐNG YÊU THƯƠNG (ĐTC Phanxicô, 31/08/2022)


“…Sự phân định, như tôi đã nói, đòi hỏi một sự lao nhọc. Theo Kinh Thánh, chúng ta không tìm thấy một cuộc sống đã được gói sẵn về những gì chúng ta phải sống. Không! Chúng ta phải quyết định nó một cách liên tục, tùy tình hình thực tế. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đánh giá và lựa chọn: Người đã tạo nên chúng ta với sự tự do và muốn chúng ta sử dụng sự tự do của mình. Do đó, đòi hỏi phải có sự phân định.
Chúng ta thường có kinh nghiệm này: chọn điều gì đó có vẻ tốt, nhưng thực tế lại không. Hoặc biết điều gì đó là thực sự tốt cho mình nhưng lại không chọn nó. Con người, khác với động vật, có thể sai, có thể không muốn chọn đúng. Và Kinh Thánh cho thấy điều đó ngay từ những trang đầu tiên. Thiên Chúa ban cho con người một chỉ dẫn cụ thể: nếu ngươi muốn sống, nếu ngươi muốn nếm hưởng cuộc sống thì hãy nhớ rằng ngươi là một thụ tạo, rằng ngươi không phải là thước đo của thiện và ác, và rằng những lựa chọn ngươi đều mang lại những hệ quả cho ngươi, cho người khác và cho thế giới (xem St 2,16-17); ngươi có thể làm cho trái đất trở thành một khu vườn tráng lệ hoặc ngươi có thể biến nó thành một sa mạc chết chóc. Giáo huấn nền tảng ở đây là: không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện đó là cuộc đối thoại đầu tiên giữa Thiên Chúa và con người. Cuộc đối thoại là: Thiên Chúa trao sứ mạng, thế này, thế này…; và con người ở mỗi bước đi phải phân định để đưa ra quyết định. Sự phân định là phản ánh của tâm trí, con tim mà chúng ta phải làm trước khi đưa ra quyết định.
Sự phân định tuy khó nhọc nhưng không thể miễn trừ trong cuộc sống. Nó đòi hỏi tôi phải biết mình, biết điều gì là tốt cho tôi tại đây và lúc này. Trên tất cả, nó đòi hỏi một tương quan con thảo với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha, Người không để chúng ta một mình, Người luôn sẵn lòng khuyên bảo chúng ta, khuyến khích chúng ta và chào đón chúng ta. Nhưng Người không bao giờ áp đặt ý muốn của Người trên chúng ta. Vì sao? Bởi vì Người muốn được yêu chứ không vì sợ hãi. Và nữa, Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành người con chứ không phải nô lệ: những người con tự do. Và người ta chỉ có thể sống tình yêu trong tự do. Để học cách sống, người ta phải học cách yêu thương, và vì điều này, cần phải phân định: tôi có thể làm gì lúc này, khi đối diện với bao nhiêu điều khác? Đâu là dấu hiệu của một tình yêu lớn hơn, một sự trưởng thành hơn trong tình yêu. Chúng ta xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta! Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần mỗi ngày, đặc biệt là khi chúng ta phải chọn lựa. Xin cảm ơn.” (ĐTC Phanxicô, 31/08/2022)
Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

BIẾT PHÂN ĐỊNH… (ĐTC Phanxicô, 31/08/2022)


“…Tin Mừng gợi ý một khía cạnh quan trọng khác của sự phân định: nó liên quan đến các cảm xúc. Ai đã tìm được kho báu mà lại không cảm thấy khó khăn khi bán đi mọi thứ, và cả niềm vui lớn của họ (x. Mt 13,44). Thuật ngữ được sử dụng bởi thánh sử Mátthêu chỉ một niềm vui hết sức đặc biệt, mà không một thực tại con người nào có thể ban tặng được; và nó còn lặp lại trong rất ít

những đoạn Tin Mừng khác, mà tất cả đều nói về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Đó là niềm
vui của các Đạo sĩ, sau hành trình dài và khó nhọc, đã lại nhìn thấy ngôi sao (x. Mt 2,10); đó là niềm vui của những phụ nữ trở về từ ngôi mộ trống sau khi nghe thiên thần báo tin Chúa sống lại (x. Mt 28,2). Đó là niềm vui của những người đã tìm được Chúa. Đưa ra một quyết định tốt, một quyết định đúng, luôn mang lại niềm vui chung cuộc; có thể người ta phải khó khăn trên đường đi với sự không chắc chắn, phải nghĩ, phải tìm, nhưng cuối cùng quyết định đúng sẽ mang lại niềm vui.
Trong cuộc phán xét cuối cùng, Thiên Chúa sẽ làm một cuộc phân định trước chúng ta. Hình ảnh của người nông dân, người đánh cá và người buôn ngọc là những ví dụ về những gì xảy ra trong Vương quốc Thiên Chúa, một Vương quốc thể hiện qua những hành động thường hằng của cuộc sống, đòi hỏi phải có lập trường. Đây là lý do tại sao biết cách phân định lại quan trọng đến thế: những lựa chọn tuyệt vời có thể nảy sinh từ những hoàn cảnh thoạt nhìn chỉ là thứ yếu, nhưng lại có ý nghĩa quyết định.
Ví dụ, chúng ta hãy nghĩ đến cuộc gặp gỡ đầu tiên của Anrê và Gioan với Chúa Giêsu, một cuộc gặp gỡ nảy sinh từ một câu hỏi đơn giản: “Thưa Rabbi, Ngài ở đâu?” – Chúa Giêsu nói: “Hãy đến mà xem” (x. Ga 1,38-39). Một cuộc trao đổi rất ngắn, nhưng đó là sự khởi đầu của một sự thay đổi từng bước sẽ ghi dấu ấn của cả cuộc đời. Thật lâu sau, Thánh sử vẫn sẽ tiếp tục ghi nhớ cuộc gặp gỡ đó đã thay đổi ông mãi mãi, nhớ cả về giờ: “Lúc đó khoảng bốn giờ chiều” (câu 39). Đó là điểm mà thời gian và vĩnh cửu gặp nhau trong cuộc đời ông. Và trong một quyết định tốt và đúng đắn, ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của chúng ta sẽ gặp nhau, bước đường hiện tại và vĩnh cửu sẽ gặp nhau. Đưa ra quyết định đúng đắn, sau một hành trình phân định, là làm cho thời gian và vĩnh cửu gặp nhau.
Bởi thế, kiến thức, kinh nghiệm, tình cảm, ý chí là một số yếu tố không thể thiếu của sự phân định. Trong hành trình các bài giáo lý này, chúng ta sẽ thấy những điều khác, cũng quan trọng không kém…” (ĐTC Phanxicô, 31/08/2022)
Đọc tiếp »

PHÚC THAY AI SẦU KHỔ (Trích bài giảng của thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng)


Trích bài giảng của thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng, về các mối phúc :
“Sau khi giảng về mối phúc khó nghèo, Chúa nói thêm : Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Anh chị em thân mến, Chúa hứa ban niềm an ủi đời đời cho người sầu khổ ; sầu khổ ở đây không đồng nghĩa với cực khổ ở trần gian này. Những lời than vãn vọng lên từ tiếng khóc của toàn thể nhân loại cũng chẳng làm cho ai được hạnh phúc.
Người thánh thiện rên rỉ vì lý do khác, người lành thánh khóc than cũng vì nguyên nhân khác. Người đạo đức buồn sầu khóc lóc hoặc tội người khác, hoặc tội mình. Người ấy không sầu khổ vì Chúa xét xử công minh, nhưng buồn vì loài người phạm tội. Ở đây người làm điều dữ thì đáng cho người ta than khóc, hơn là người phải chịu sự dữ. Bởi vì sự gian ác của kẻ bất lương khiến nó bị phạt ; còn sự chịu đựng của người công chính đưa họ tới vinh quang.”

Đọc tiếp »

GẶP NHAU… KÍCH HOẠT TÌNH LIÊN ĐỚI… (ĐTC Phanxicô, 02/09/2020)


“Sau nhiều tháng, chúng ta lại gặp lại nhau mặt đối mặt chứ không phải đối với màn hình. Mặt đối mặt. Điều này thật tốt! Đại dịch hiện thời làm nổi bật sự liên lập của chúng ta: tất cả chúng ta đều được liên kết với nhau, dù tốt hay xấu. Vì vậy, để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này tốt hơn trước đây, chúng ta phải làm như vậy cùng với nhau; cùng với nhau, không một mình. Cùng với

nhau. Một mình, không, bởi vì nó không thể thực hiện được. Hoặc nó được thực hiện cùng với nhau, hoặc nó không được thực hiện. Chúng ta phải làm điều đó cùng với nhau, tất cả chúng ta, trong tình liên đới. Hôm nay tôi xin gạch dưới hạn từ này: liên đới.
Là một gia đình nhân loại, chúng ta có nguồn gốc chung của chúng ta nơi Thiên Chúa; chúng ta cư ngụ trong ngôi nhà chung, vườn-hành-tinh, trái đất nơi Chúa đặt chúng ta vào; và chúng ta có một điểm đến chung trong Chúa Kitô. Nhưng khi chúng ta quên tất cả những điều này, sự phụ thuộc qua lại của chúng ta trở thành sự phụ thuộc của một số người vào những người khác, chúng ta mất đi sự hài hòa của liên lập và liên đới và chúng ta trở nên phụ thuộc - sự phụ thuộc của một số người vào một số ít, vào những người khác - làm gia tăng sự bất bình đẳng và bị gạt ra ngoài lề xã hội; nó làm suy yếu cấu trúc xã hội và làm môi trường xấu đi. Nó luôn luôn là như thế...
Giữa những cuộc khủng hoảng và sóng bão, Chúa kêu gọi chúng ta và mời gọi chúng ta đánh thức và kích hoạt tình liên đới có khả năng mang lại sự vững chắc, nâng đỡ và ý nghĩa cho những giờ phút trong đó mọi sự dường như đang bị phá hủy. Cầu xin tính sáng tạo của Chúa Thánh Thần khuyến khích chúng ta tạo ra những hình thức mới của lòng hiếu khách quen thuộc, của tình huynh đệ sinh hoa trái và của tình liên đới phổ quát.” (ĐTC Phanxicô, 02/09/2020)
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.