Ads 468x60px

Hiển thị các bài đăng có nhãn TÒA THÁNH. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TÒA THÁNH. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 14 tháng 11, 2023

CẦU NGUYỆN KIÊN TRÌ (ĐTC Phanxicô, 11/11/2020)


“... 
Dụ ngôn thứ hai là về người đàn bà góa đến gặp quan tòa để được giúp đỡ trong việc đòi công lý. Quan tòa này thật thối nát, ông ta là một người không chút áy náy lương tâm, nhưng cuối cùng, bực tức trước sự nài nỉ của bà góa, ông đã quyết định chiều lòng bà ta (xem Lc 18, 1-8). Ông ta nghĩ: “Nhưng, tốt hơn nên giải quyết vấn đề này và làm cho bà ấy khuất khỏi lưng mình để bà ấy không tiếp tục đến làm phiền mình nữa”. Dụ ngôn này làm chúng ta hiểu rằng đức

tin không phải là một sự lựa chọn nhất thời, mà là một thiên hướng can đảm trong việc kêu cầu Thiên Chúa, thậm chí “tranh luận” với Người, chứ không cam chịu điều tệ hại và bất công.
Dụ ngôn thứ ba trình bày một người biệt phái và một người thu thuế đến Đền thờ để cầu nguyện. Nhưng người đầu tiên hướng về Thiên Chúa khoe khoang công trạng của mình; người kia thì cảm thấy không xứng đáng ngay cả việc bước vào đền thánh. Trong khi Thiên Chúa không nghe lời cầu nguyện của người đầu tiên, tức là của những người kiêu căng, thì Người đã chấp nhận lời cầu nguyện của người khiêm nhường (x. Lc 18, 9-14). Không có lời cầu nguyện chân chính nào nếu không có tinh thần khiêm tốn. Chính lòng khiêm nhường dẫn chúng ta đến việc cầu nguyện.
Giáo huấn của Tin Mừng rất rõ ràng: chúng ta cần cầu nguyện luôn luôn, ngay cả khi mọi chuyện xem ra đều vô ích, khi Thiên Chúa dường như câm và điếc và dường như chúng ta chỉ mất thì giờ. Cho dù bầu trời phủ mây đen, Kitô hữu cũng vẫn không ngưng cầu nguyện. Lời cầu nguyện của một Kitô hữu luôn vững bước với đức tin của họ. Có rất nhiều ngày trong cuộc đời chúng ta khi đức tin dường như là một ảo ảnh, một nỗ lực vô dụng. Có những khoảnh khắc tăm tối trong cuộc đời chúng ta, và trong những khoảnh khắc đó, đức tin dường như chỉ là ảo ảnh. Nhưng việc thực hành cầu nguyện có nghĩa là chấp nhận cả nỗ lực này. “Thưa cha, con cầu nguyện nhưng không cảm thấy gì… Cảm giác như trái tim con khô cằn, trái tim con khô khan”. Nhưng chúng ta phải tiếp tục cố gắng trong những khoảnh khắc khó khăn, những khoảnh khắc trong đó chúng ta không cảm thấy gì. Nhiều vị thánh đã trải qua đêm đen của đức tin và sự im lặng của Thiên Chúa - khi chúng ta biết và Chúa không đáp lại - và những vị thánh này đã kiên trì...” (ĐTC Phanxicô, 11/11/2020)
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

MỤC VỤ TUYỆT VỜI CỦA THÁNH PHAOLÔ


Trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, chương 2-3:
2 13Về phần chúng tôi, chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, vì khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu…
Phần chúng tôi, thưa anh em, phải xa cách anh em một thời gian ngắn, xa mặt chứ không cách lòng, chúng tôi càng cố gắng hơn để lại thấy mặt anh em, vì chúng tôi rất ước ao điều đó. 18 Bởi vậy chúng tôi đã muốn đến thăm anh em -chính tôi, Phao-lô, đã nhiều lần định đi- nhưng Xa-tan đã cản trở chúng tôi. 19 Quả thế, ai là niềm hy vọng, là niềm vui của chúng tôi, ai là triều thiên làm cho chúng tôi hãnh diện trước nhan Đức Giê-su, Chúa chúng ta, khi Người quang lâm, nếu không phải là anh em ? 20 Phải, chính anh em là vinh quang và là niềm vui của chúng tôi.
3 1 Vì vậy, không chịu nổi nữa, chúng tôi đã quyết định ở lại A-then một mình, 2 và chúng tôi đã phái anh Ti-mô-thê, người anh em của chúng tôi và cộng sự viên của Thiên Chúa trong việc loan báo Tin Mừng Đức Ki-tô ; anh đến để làm cho anh em được vững mạnh, và khích lệ đức tin của anh em, 3 khiến không ai bị nao núng vì các nỗi gian truân ấy. Hẳn anh em biết đó là số phận dành cho chúng ta. 4 Thật thế, khi còn ở với anh em, chúng tôi đã nói trước cho anh em rằng chúng ta sẽ gặp gian truân, điều đó đã xảy ra như anh em biết. 5 Chính vì vậy mà không chịu nổi nữa, tôi đã sai người đi hỏi cho biết lòng tin của anh em ra sao, sợ rằng tên cám dỗ đã cám dỗ anh em, và công lao khó nhọc của chúng tôi trở nên vô ích.
6 Giờ đây, sau khi thăm anh em, anh Ti-mô-thê đã trở lại với chúng tôi và đưa tin mừng cho chúng tôi về lòng tin và lòng mến của anh em ; anh ấy nói rằng anh em vẫn luôn luôn giữ kỷ niệm tốt về chúng tôi, và ao ước gặp lại chúng tôi, cũng như chúng tôi ao ước gặp lại anh em. 7 Như vậy, thưa anh em, vì anh em có lòng tin, nên khi nghĩ đến anh em, chúng tôi được an ủi giữa mọi thống khổ gian truân chúng tôi phải chịu. 8 Phải, chúng tôi sống được đến giờ này là nhờ anh em đứng vững trong Chúa. 9 Chúng tôi biết nói gì để tạ ơn Thiên Chúa về anh em, vì tất cả niềm vui mà nhờ anh em, tôi có được trước nhan Thiên Chúa chúng ta ? 10 Đêm ngày chúng tôi tha thiết nài xin Chúa cho được thấy mặt anh em và bổ túc những gì còn thiếu trong đức tin của anh em.
11 Xin chính Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa chúng ta là Đức Giê-su san phẳng con đường dẫn chúng tôi đến với anh em. 12 Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy. 13 Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người.
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

ĐỌC KINH THÁNH (ĐTC Phanxicô, 27/01/2021)


“Hôm nay tôi muốn tập chú vào lời cầu nguyện mà chúng ta có thể bắt đầu bằng một đoạn Kinh Thánh. Những lời trong Sách Thánh không được viết ra để mãi bị giam cầm trên giấy cói, giấy da hay giấy thường, nhưng để được người cầu nguyện tiếp nhận, làm chúng đơm hoa trong lòng mình.
Lời Thiên Chúa đi vào cõi lòng ta.
Sách Giáo lý khẳng định rằng: “cầu nguyện nên đi kèm với việc đọc Sách Thánh” - không nên đọc Kinh thánh như một cuốn tiểu thuyết, mà phải kèm theo lời cầu nguyện - “để cuộc đối thoại diễn ra giữa Thiên Chúa và con người” (số 2653). Đây là nơi việc cầu nguyện dẫn anh chị em tới, vì nó là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Câu Kinh Thánh đó cũng được viết cho tôi, cách đây nhiều thế kỷ, để mang lời Chúa đến với tôi. Nó được viết cho mỗi người chúng ta. Kinh nghiệm này xảy ra cho mọi tín hữu: một đoạn Kinh thánh, đã nghe nhiều lần rồi, bất ngờ, một ngày nào đó, nói với tôi, và soi sáng một hoàn cảnh sống của tôi. Nhưng điều cần thiết là tôi, ngày hôm đó, phải có mặt trong cuộc hẹn với Lời Chúa đó. Tôi phải ở đó, lắng nghe Lời Chúa. Mỗi ngày Thiên Chúa đi qua và gieo một hạt giống vào thửa đất cuộc đời chúng ta. Chúng ta không biết hôm nay liệu Người sẽ tìm thấy đất khô, đất cằn, hay đất tốt làm cho hạt giống đó mọc lên (xem Mc 4: 3-9). Việc chúng trở thành Lời hằng sống của Thiên Chúa cho chúng ta tùy thuộc vào chúng ta, vào lời cầu nguyện của chúng ta, vào tấm lòng rộng mở mà chúng ta dùng tiếp cận Kinh thánh. Đức Chúa Trời đi qua, liên tục và thông qua Kinh thánh. Và ở đây tôi xin trở lại với những gì tôi đã nói tuần trước, với những gì Thánh Augustinô đã nói: “Tôi sợ Thiên Chúa khi Người đi qua”. Tại sao ngài sợ? Sợ rằng ngài không lắng nghe Người. Sợ rằng tôi không nhận ra rằng Người là Chúa.
Qua lời cầu nguyện, một sự nhập thể mới diễn ra. Và chúng ta là “nhà tạm” nơi lời của Thiên Chúa muốn được chào đón và lưu giữ, để chúng có thể đến thăm thế giới. Đây là lý do tại sao chúng ta phải tiếp cận Kinh Thánh mà không có động cơ thầm kín, không khai thác nó. Tín hữu không biến Kinh Thánh thành điểm tựa cho quan điểm triết học và luân lý của riêng họ, nhưng vì họ hy vọng một cuộc gặp gỡ; người tín hữu biết rằng những lời đó được viết ra trong Chúa Thánh Thần, và do đó cũng trong cùng một Chúa Thánh Thần này, chúng phải được đón nhận và hiểu biết, để cuộc gặp gỡ có thể diễn ra.
Tôi hơi khó chịu khi nghe các Kitô hữu đọc những câu Kinh thánh như những con vẹt. “Ồ, vâng… Ồ, Chúa nói… Người muốn điều này…”. Nhưng anh chị em có gặp được Chúa, với câu đó hay không? Đó không phải là vấn đề chỉ thuộc về trí nhớ: đó là vấn đề thuộc ký ức của trái tim, nhằm mở cửa để anh chị em bước vào cuộc gặp gỡ với Chúa. Và lời đó, câu đó, dẫn anh chị em đến cuộc gặp gỡ với Chúa.
Do đó, chúng ta đọc Kinh thánh vì chúng “đọc chúng ta”. Và đó là một ơn thánh để có thể nhận ra chính mình trong đoạn văn ấy hoặc trong nhân vật ấy, trong tình huống này hoặc tình huống nọ...” (ĐTC Phanxicô, 27/01/2021)
Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2023

VÒNG TRÒN 3 : HIỆP NHẤT NHÂN LOẠI (ĐTC Phanxicô, 25/01/2021)


“Vòng hiệp nhất thứ ba, lớn nhất, là toàn thể nhân loại. Ở đây, chúng ta có thể suy ngẫm về hoạt động của Chúa Thánh Thần. Trong cây nho là Chúa Kitô, Thánh Linh là nhựa sống lan tỏa đến muôn cành. Thánh Thần có thể thổi tới bất cứ nơi đâu Ngài muốn, và đặc biệt ở mọi nơi Ngài muốn khôi phục sự hiệp nhất. Ngài thúc giục chúng ta yêu không chỉ những người yêu thương chúng ta và suy nghĩ như chúng ta, nhưng phải yêu tất cả mọi người, ngay cả kẻ thù của chúng ta như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Ngài khiến chúng ta có thể tha thứ cho kẻ thù và những điều sai trái mà chúng ta đã phải chịu đựng. Ngài linh hứng cho chúng ta năng động và sáng tạo trong tình yêu. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng những người lân cận với chúng ta không chỉ giới hạn trong số những người chia sẻ những giá trị và ý tưởng của chúng ta, và chúng ta được kêu gọi trở thành người lân cận của tất cả mọi người, trở thành những người Samaritanô nhân hậu cho một nhân loại yếu ớt, nghèo khó và trong thời đại của chúng ta, đang phải chịu đựng rất nhiều đau khổ. Đó là một nhân loại nằm bên lề đường của thế giới chúng ta, mà Thiên Chúa muốn vực dậy bằng lòng thương cảm. Cầu xin Chúa Thánh Thần, là nguồn mạch ân sủng, giúp chúng ta sống vô vị lợi, yêu thương đáp lại những người không yêu thương chúng ta, vì chính nhờ tình yêu trong sáng và vô vị lợi, Tin Mừng mới sinh hoa kết quả. Cây được biết đến nhờ trái của nó: bởi tình yêu thương nhưng không của chúng ta, chúng ta sẽ biết được chúng ta có phải là cây nho của Chúa Giêsu hay không.
Vì thế, Chúa Thánh Thần dạy chúng ta tính cụ thể của tình yêu đối với tất cả những anh chị em mà chúng ta chia sẻ cùng một nhân tính, là nhân tính mà Chúa Kitô đã kết hợp không thể tách rời với chính Người khi Chúa nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ luôn tìm thấy Người nơi những người nghèo và những người thiếu thốn nhất ( x. Mt 25:31-45). Khi cùng nhau phục vụ họ, một lần nữa chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta là anh chị em với nhau và sẽ phát triển trong sự hiệp nhất. Thánh Linh, Đấng đổi mới bộ mặt của trái đất, cũng truyền cảm hứng cho chúng ta quan tâm đến ngôi nhà chung của chúng ta, đưa ra những lựa chọn táo bạo về cách chúng ta sống và tiêu dùng, vì điều trái ngược với việc sinh hoa kết quả là sự bóc lột, và thật đáng xấu hổ khi chúng ta lãng phí những nguồn tài nguyên quý giá mà nhiều người khác bị tước đoạt.” (ĐTC Phanxicô, 25/01/2021)
Đọc tiếp »

MẦU NHIỆM CON NGƯỜI


Những lời Hội Thánh dạy gần 60 năm rồi mà thật hữu ích suy gẫm lúc dịch bệnh chết chốc hôm nay !
Trích hiến chế mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Va-ti-ca-nô II về Hội Thánh trong thế giới ngày nay :
“Điều bí ẩn nhất về thân phận con người là sự chết. Không những con người băn khoăn day dứt vì thân xác phải đau khổ và hao mòn dần, mà hơn nữa còn băn khoăn vì sợ phải bị tiêu diệt vĩnh viễn. Con người xét đoán thật đúng theo linh tính của lòng mình, khi khiếp sợ và lẩn tránh sự huỷ diệt hoàn toàn và ra đi vĩnh viễn của bản thân. Con người chống lại sự chết vì mang trong mình mầm mống của vĩnh cửu không thể bị thu gọn lại trong vật chất mà thôi. Mọi cố gắng lớn lao của kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể xoa dịu nổi mối âu lo của con người : cuộc sống thể xác có kéo dài đến mấy cũng không thoả mãn được khát vọng sống mãi vẫn hằng tiềm ẩn sâu xa trong lòng người.
Khi mọi trí tưởng tượng đều bất lực trước sự chết thì Hội Thánh, nhờ được mặc khải chiếu soi, khẳng định rằng con người đã được dựng nên để đạt tới cùng đích hạnh phúc, sau khi vượt qua giới hạn cuộc đời khổ ải. Hơn nữa, đức tin Ki-tô giáo còn dạy rằng sự chết về thể xác mà lẽ ra con người đã có thể tránh nếu không phạm tội, vẫn có thể được khắc phục, khi nhờ Đấng Cứu Tinh quyền năng và lân tuất, con người lấy lại được ơn cứu độ đã mất do lỗi của mình. Quả vậy, Thiên Chúa đã và đang kêu gọi con người hết mình gắn bó với Người, nhờ tham dự vào sự sống thần linh bất diệt. Chiến thắng ấy, Đức Ki-tô đã đạt được khi sống lại, nhờ giải thoát con người cho khỏi chết bằng cái chết của mình. Vậy, bằng những luận chứng vững chắc, đức tin Ki-tô giáo đem lại câu trả lời cho bất cứ ai đang băn khoăn suy nghĩ về số phận tương lai của mình, đồng thời cũng cung cấp cho khả năng thông hiệp với các anh em thân mến đã lìa đời trong Đức Ki-tô, khi cho chúng ta hy vọng rằng họ đã đạt được sự sống đích thực nơi Thiên Chúa.
Quả vậy, người Ki-tô hữu cần phải chống lại sự dữ ngay cả khi chịu đựng gian truân thử thách, và phải chấp nhận cả cái chết nữa. Nhưng vì được dự phần vào mầu nhiệm Vượt Qua, được nên đồng hình đồng dạng với cái chết của Đức Ki-tô, được củng cố nhờ đức cậy, họ tiến lên đón nhận ơn phục sinh.
Điều nói trên đây không chỉ có giá trị đối với các tín hữu của Đức Ki-tô, mà còn có giá trị đối với tất cả mọi người thành tâm thiện chí, những người được ơn thánh tác động cách vô hình trong tâm hồn. Quả vậy, vì Đức Ki-tô đã chết cho mọi người, và ơn gọi cuối cùng của mọi người chỉ là một, nghĩa là ơn được Thiên Chúa kêu gọi, nên chúng ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua ấy, theo cách mà Thiên Chúa biết.
Đó là phẩm chất và sự cao cả của mầu nhiệm con người mà các tín hữu đã được mặc khải Ki-tô giáo soi sáng cho. Vì vậy, nhờ Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô, điều bí ẩn về sự đau khổ và về cái chết được làm cho sáng tỏ ; điều bí ẩn đó sẽ đè bẹp chúng ta, nếu không có Tin Mừng của Người. Đức Ki-tô đã sống lại, Người đã lấy cái chết của mình mà huỷ diệt sự chết và ban cho chúng ta sự sống, để một khi trở nên những người con trong người Con, thì nhờ Thánh Thần, chúng ta kêu lên : Áp-ba, Cha ơi !”
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

TÌM CHIÊN LẠC (ĐTC Phanxicô, giáo lý 18/01/2023)


“Chúa bỏ lại chín mươi chín con chiên đang bình an vô sự và mạo hiểm tìm kiếm con chiên lạc, do đó Người làm một việc mạo hiểm và thậm chí phi lý, nhưng phù hợp với trái tim mục tử của Người vốn thương nhớ những người đã bỏ đi, mong gặp lại những người đã ra đi, đây là một điều nhất quán nơi Chúa Giêsu. Và khi chúng ta nghe tin một người nào đó đã rời bỏ Giáo hội, chúng ta muốn nói gì? "Cứ để mặc kệ họ?" Không, Chúa Giêsu dạy
chúng ta nhớ thương những người đã ra đi; Chúa Giêsu không giận dữ hay oán giận, nhưng chỉ khôn nguôi khao khát chúng ta. Chúa Giêsu cảm thấy thương nhớ chúng ta và đó là lòng nhiệt thành của Thiên Chúa.
Và tôi tự hỏi: chúng ta có những tâm tình tương tự hay không? Có lẽ chúng ta xem những người đã rời đàn là đối thủ hoặc kẻ thù. "Còn người này? – há anh ta đã không đi qua phía bên kia hay sao? Anh ta đã đánh mất đức tin, thế nào cũng xuống hỏa ngục...", còn chúng ta thì thanh thản. Thay vào đó, khi chúng ta gặp họ ở trường, ở công sở, trên đường phố, tại sao chúng ta không nghĩ chúng ta có cơ hội tốt để chứng kiến họ hưởng niềm vui của một người Cha luôn yêu thương họ và không bao giờ quên họ? Không phải để cải đạo, không! Nhưng để Lời của Cha có thể vang tới họ để chúng ta cùng tiến bước với nhau.
Truyền giảng Tin Mừng không phải là cải đạo. Cải đạo là việc của ngoại giáo, nó không có tính tôn giáo hay Tin Mừng. Có một lời tốt đẹp cho những người đã rời bỏ đàn chiên và chúng ta có vinh dự và gánh nặng là những người nói lời này. Bởi vì Lời này, tức Chúa Giêsu, yêu cầu chúng ta điều này: luôn luôn đến gần mọi người, với tấm lòng rộng mở, vì Người là như vậy. Có lẽ chúng ta vốn theo và yêu mến Chúa Giêsu từ lâu mà chưa bao giờ tự hỏi mình có chia sẻ tâm tình của Người hay không, có đau khổ và mạo hiểm để hòa nhịp với trái tim của Chúa Giêsu, với trái tim mục vụ này, gần với trái tim mục vụ của Chúa Giêsu không! Đây không phải là cải đạo, như tôi đã nói, để người khác trở thành “một trong chúng ta”, không, đó không phải là Kitô giáo; mà là yêu thương để họ là con cái hạnh phúc với Thiên Chúa.
Trong cầu nguyện, chúng ta hãy xin ơn có tâm hồn mục tử, cởi mở, đặt mình gần gũi với mọi người, để mang sứ điệp của Chúa cũng như để cảm nhận nỗi khát mong của Chúa Kitô đối với mọi người. Vì, nếu không có tình yêu đau khổ và mạo hiểm này, thì cuộc sống của chúng ta sẽ không suông sẻ: nếu Kitô hữu chúng ta không có tình yêu đau khổ và mạo hiểm này, thì chúng ta có nguy cơ chỉ nuôi dưỡng bản thân bằng chính bản thân mình. Những người chăn chiên tự chăn dắt mình, thay vì chăn dắt đàn chiên, đều là những người chải lông cừu “cực kỳ đẹp đẽ”. Chúng ta không chăn dắt chính mình, nhưng chăn dắt mọi người.”
Đọc tiếp »

MẪU GƯƠNG THẬP GIÁ (Trích bài chia sẻ của thánh Tô-ma A-qui-nô, linh mục)


“Có cần thiết Con Thiên Chúa phải chịu đau khổ vì chúng ta không ? Thưa cần lắm, và có thể tóm lại trong hai lý do : một là để làm phương dược chữa trị tội lỗi, hai là để làm gương cho chúng ta noi theo.
Xét về phương dược để chữa trị mọi sự dữ mà chúng ta mắc phải vì tội lỗi, chúng ta gặp thấy linh dược nhờ cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô.
Nhưng xét về gương sáng thì ích lợi cũng không nhỏ, vì cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô đủ để soi sáng trọn vẹn cuộc đời chúng ta. Quả vậy, bất cứ ai muốn sống đời hoàn hảo, người ấy không cần làm gì khác ngoài việc khinh chê những gì Đức Ki-tô đã khinh chê trên thập giá và ao ước những gì Người đã ước ao. Bởi lẽ không có gương nhân đức nào mà không có nơi thập giá.
Nếu bạn muốn tìm một tấm gương bác ái, thì đây : Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Đó là điều Đức Ki-tô đã thực hiện trên thập giá. Vậy nếu Người đã hy sinh mạng sống vì chúng ta, thì khi vì Người mà chúng ta phải chịu bất cứ đau khổ nào, sẽ chẳng có chi là quá nặng.
Nếu bạn muốn tìm một tấm gương nhẫn nhục, thì nơi thập giá có cả một tấm gương sáng ngời. Thật vậy, sự nhẫn nhục sẽ lớn lao vì hai lý do : hoặc khi người ta chịu những đau khổ lớn lao, hoặc khi người ta chịu những đau khổ có thể tránh được mà lại không tránh. Quả thế, Đức Ki-tô đã mang lấy những đau khổ lớn lao trên thập giá, và nhẫn nhục chịu đựng : Người chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín trước mặt kẻ xén lông, Người chẳng hề mở miệng. Như thế, sự nhẫn nhục của Đức Ki-tô trên thập giá thật là lớn lao : Chúng ta hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục.
Nếu bạn muốn tìm một tấm gương khiêm nhường, thì xin bạn nhìn lên Đấng chịu đóng đinh : Đấng vốn là Thiên Chúa mà đã muốn chịu xét xử dưới thời Phong-xi-ô Phi-la-tô và chịu chết.
Nếu bạn muốn tìm một tấm gương tuân phục, bạn chỉ việc bước theo Đấng đã vâng lời Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết : Cũng như vì một người duy nhất, tức là ông A-đam, đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ trở thành người công chính.
Nếu bạn muốn tìm một tấm gương khinh chê của cải trần gian, bạn chỉ việc bước theo Đấng là Vua các vua và là Chúa các chúa, nơi Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết, thế mà trên thập giá Người đã chịu trần truồng, bị chế giễu, bị khạc nhổ, bị đánh đập, bị đội vòng gai và phải uống giấm chua mật đắng.
Vậy bạn đừng bám víu vào y phục và của cải, vì áo xống tôi, chúng đem chia chác ; đừng bám víu vào danh dự, vì Người đã chịu lăng nhục và bị đánh đòn ; đừng say mê chức tước, vì họ đã kết một vòng gai làm vương miện đội lên đầu Người ; và đừng ham mê thú vui nữa, vì tôi khát nước, lại cho uống giấm chua.”
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

CON TIM MỤC TỬ (ĐTC Phanxicô, giáo lý 18/01/2023)


“…để tóm tắt hoạt động của Giáo hội trong một chữ, chính thuật ngữ chuyên biệt “mục vụ” thường được sử dụng. Và để đánh giá tính mục vụ của chúng ta, chúng ta phải đối diện với kiểu mẫu, đối diện với Chúa Giêsu, Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành. Trước hết, chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có bắt chước Người uống từ suối nguồn cầu nguyện, để tâm hồn chúng ta hòa hợp với lòng Người không? Sự gần gũi với Người, như cuốn sách hay của Cha
Chautard gợi ý, là “linh hồn của mọi hoạt động tông đồ”. Chính Chúa Giêsu đã nói rõ điều đó với các môn đệ: “Không có Thầy, anh em chẳng làm được gì” (Ga 15,5).
Nếu anh chị em ở với Chúa Giêsu, anh chị em sẽ khám phá ra điều này: trái tim mục tử của Người vẫn đập cho những người bối rối, lạc lối, xa cách. Còn trái tim chúng ta? Biết bao lần thái độ của chúng ta đối với những người hơi khó tính hoặc khó tính một chút được thể hiện bằng những lời này: “Nhưng đó là chuyện của bọn nó, để bọn nó lo…”. Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ nói như thế, không bao giờ, nhưng luôn ra đi gặp gỡ tất cả những người tội lỗi bị gạt ra bên lề xã hội. Người bị tố cáo về điều đó, là ở với những người tội lỗi, vì Người đã mang lại cho họ sự cứu rỗi của Thiên Chúa.
Chúng ta đã nghe dụ ngôn con chiên lạc, ở chương 15 của Tin Mừng Luca (x. câu 4-7). Chúa Giêsu cũng nói về đồng bạc bị mất và đứa con hoang đàng. Nếu muốn đào tạo lòng nhiệt thành tông đồ, chúng ta phải luôn ghi nhớ chương 15 Tin mừng Luca. Anh chị em hãy thường xuyên đọc nó, ở đó chúng ta có thể hiểu thế nào là lòng nhiệt thành tông đồ. Ở đó, chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa không đứng đó nhìn chừng chừng vào chuồng chiên hay thậm chí đe dọa chúng để chúng không bỏ đi. Ngược lại, nếu có con đi lạc, Người không bỏ rơi con đó, nhưng đi tìm kiếm nó. Người không nói, "mày bỏ đi, lỗi tại mày, kệ mày!" Con tim mục vụ của Người phản ứng cách khác: con tim mục vụ đau khổ, con tim mục vụ mạo hiểm. nó đau khổ: vâng, Thiên Chúa đau khổ cho những người bỏ đi và trong khi thương tiếc họ, Người càng yêu họ hơn.
Chúa đau khổ khi chúng ta rời xa trái tim Người. Người đau khổ cho những ai không biết vẻ đẹp của tình yêu và sự ấm áp của vòng tay Người. Nhưng, để đối phó với sự đau khổ này, Người không rút lui, mà mạo hiểm: Người bỏ lại chín mươi chín con chiên đang bình an vô sự và mạo hiểm tìm kiếm con chiên lạc, do đó Người làm một việc mạo hiểm và thậm chí phi lý, nhưng phù hợp với trái tim mục tử của Người vốn thương nhớ những người đã bỏ đi, mong gặp lại những người đã ra đi, đây là một điều nhất quán nơi Chúa Giêsu. Và khi chúng ta nghe tin một người nào đó đã rời bỏ Giáo hội, chúng ta muốn nói gì? "Cứ để mặc kệ họ?" Không, Chúa Giêsu dạy chúng ta nhớ thương những người đã ra đi; Chúa Giêsu không giận dữ hay oán giận, nhưng chỉ khôn nguôi khao khát chúng ta. Chúa Giêsu cảm thấy thương nhớ chúng ta và đó là lòng nhiệt thành của Thiên Chúa.”
Đọc tiếp »

“Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9) (ĐTC Phanxicô, 25/01/2021)


“Chúa Giêsu liên kết yêu cầu này với hình ảnh cây nho và cành nho, đó là hình ảnh cuối cùng mà Ngài đưa ra cho chúng ta trong Bài Phúc âm. Chính Chúa là cây nho, là cây nho “thật” (câu 1), Đấng không phản bội sự mong đợi của chúng ta, nhưng vẫn luôn trung tín trong tình yêu thương, bất chấp tội lỗi và sự chia rẽ của chúng ta. Tất cả chúng ta, những người đã chịu phép rửa, đều được ghép như cành vào cây nho này, chính là chính cây nho này. Điều này có nghĩa là chúng ta chỉ có thể phát triển và sinh hoa kết trái nếu chúng ta tiếp tục hợp nhất với Chúa Giêsu. Đêm nay chúng ta hãy xem xét sự hiệp nhất không thể thiếu này, với nhiều cấp độ. Với cây nho trong tâm trí, chúng ta có thể hình dung sự thống nhất bao gồm ba vòng tròn đồng tâm, giống như các vòng của một thân cây.
Vòng tròn đầu tiên, vòng trong cùng, là trong Chúa Giêsu. Đây là điểm khởi đầu của hành trình mỗi người chúng ta hướng tới sự hiệp nhất. Trong thế giới quay cuồng và phức tạp ngày nay, chúng ta rất dễ đánh mất la bàn, khi bị lôi kéo từ mọi phía. Nhiều người cảm thấy nội tâm rời rạc, không tìm được điểm cố định, chỗ đứng vững vàng giữa những thay đổi của cuộc sống. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng bí mật của sự ổn định là ở lại trong Ngài. Trong bài đọc tối nay, Ngài nói điều này đến bảy lần (xem các câu 4-7,9-10). Vì Người biết rằng “không có Người, chúng ta không thể làm gì được” (xem câu 5). Chúa Giêsu cũng chỉ cho chúng ta cách ở lại trong Ngài. Ngài đã để lại cho chúng ta tấm gương của chính Ngài: mỗi ngày, Ngài lui vào thanh vắng để cầu nguyện.
Chúng ta cần lời cầu nguyện, cũng như cần nước, để sống. Cầu nguyện riêng, dành thời gian với Chúa Giêsu, và thờ phượng, đây là những điều cần thiết nếu chúng ta muốn ở lại trong Ngài. Bằng cách này, chúng ta có thể đặt những lo lắng, hy vọng và sợ hãi, niềm vui và nỗi buồn của mình trong lòng Chúa. Trên hết, khi tập trung vào Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện, chúng ta có thể cảm nghiệm được tình yêu của Ngài. Và bằng cách này, nhận được sức sống mới, giống như những cành cây hút nhựa sống từ thân cây. Đây là sự hiệp nhất đầu tiên, sự thống nhất của cá nhân chúng ta, là công việc của ân sủng mà chúng ta nhận được khi ở lại trong Chúa Giêsu...” (ĐTC Phanxicô, 25/01/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

NHƯ CÁC ĐẠO SĨ GẶP CHÚA KITÔ… (ĐTC Phanxicô, 25/01/2022)


“Tại Bethlehem, sau khi họ đã quỳ xuống tôn thờ, các Đạo Sĩ mở rương kho báu của họ và dâng lên vàng, nhũ hương và mộc dược (x.Mt 2,11). Những món quà này nhắc nhở chúng ta rằng, chỉ sau khi cùng nhau cầu nguyện, chỉ trước sự hiện diện của Thiên Chúa và trong ánh sáng của Ngài, chúng ta mới thực sự nhận thức được những kho tàng mà mỗi người chúng ta đang sở hữu. Tuy nhiên, chúng là kho báu thuộc về tất cả, và có nghĩa là được chia sẻ. Vì chúng là ân sủng của Thánh Linh, được tiền định cho công ích, cho việc xây dựng và hiệp nhất dân tộc của Ngài. Chúng ta đến để thấy điều này bằng lời cầu nguyện, nhưng cũng bằng sự phục vụ: khi chúng ta trao cho những người khó khăn, chúng ta dâng mình cho Chúa Giêsu, Đấng đồng hóa với những người nghèo khó và bên lề xã hội (x. Mt 25,34-40); và Người biến chúng ta nên một.
Những món quà của các Đạo Sĩ tượng trưng cho những món quà mà Chúa mong muốn nhận được từ chúng ta. Chúng ta phải trao cho Chúa vàng, là thứ quý giá nhất, vì vị trí thứ nhất luôn phải thuộc về Chúa. Ngài là Đấng chúng ta phải dán mắt vào, chứ không phải chính mình; dõi theo thánh ý của Ngài, chứ không phải ý riêng của chúng ta; và làm theo cách của Ngài, chứ không phải cách của riêng chúng ta. Nếu Chúa thực sự được đặt lên hàng đầu, thì những lựa chọn của chúng ta, kể cả những lựa chọn của Giáo hội, không còn có thể dựa trên chính trị của thế giới này nữa, mà dựa trên thánh ý của Chúa. Sau đó là nhũ hương, gợi lại tầm quan trọng của lời cầu nguyện, là hương thơm dâng lên Thiên Chúa như một mùi hương dễ chịu (xem Tv 141,2). Xin cho chúng ta không bao giờ mệt mỏi khi cầu nguyện cho nhau và với nhau. Cuối cùng, mộc dược được dùng để tôn vinh thân xác Chúa Giêsu được hạ xuống khỏi cây thập giá (x.Ga 19,39), nói với chúng ta về sự quan tâm đến xác thịt đau khổ của Chúa, được phản ánh qua các vết thương của người nghèo. Chúng ta hãy phục vụ những người có nhu cầu. Cùng nhau, chúng ta hãy phục vụ Chúa Giêsu đau khổ!
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy theo chỉ dẫn của các Đạo Sĩ cho cuộc hành trình của chính mình, và làm như họ đã làm, trở về nhà “bằng một con đường khác” (Mt 2,12). Giống như Saolô trước cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, chúng ta cần phải thay đổi hướng đi, đảo ngược lộ trình của thói quen và đường lối của chúng ta, để tìm ra con đường mà Chúa đã vạch ra cho chúng ta: đó là con đường khiêm nhường, huynh đệ và tôn thờ. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng can đảm để thay đổi hướng đi, để hoán cải, để làm theo thánh ý của Ngài chứ không phải ý muốn của chúng con; để cùng nhau tiến về phía trước, về phía Chúa, Đấng mà Thánh Linh của Chúa muốn biến chúng con nên một. Amen.” (ĐTC Phanxicô, 25/01/2022)
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2023

HÃY ĐỌC TIN MỪNG MỖI NGÀY (ĐTC Phanxicô, 23/01/2022)


“Anh chị em thân mến, trong Chúa nhật Lời Chúa này, tôi cám ơn tất cả những người rao giảng và loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, để họ sống hôm nay của Chúa Giêsu, quyền năng dịu ngọt của Thánh Thần đã làm cho Kinh Thánh trở nên sống động. Lời Thiên Chúa sống động và hữu hiệu (Dt 4, 12); Lời biến đổi chúng ta, đi vào các sự kiện của chúng ta, chiếu sáng cuộc sống hàng ngày của chúng ta, an ủi và mang lại trật tự. Chúng ta hãy nhớ rằng: Lời biến một ngày bình thường thành hôm nay, trong đó Chúa nói với chúng ta.
Vì vậy, chúng ta hãy cầm lấy Tin Mừng trong tay và mỗi ngày chọn một đoạn ngắn đọc đi đọc lại một cách thanh thản. Với thời gian, chúng ta sẽ khám phá ra rằng những lời này dành cho chúng ta, cho cuộc sống của chúng ta. Lời sẽ giúp chúng ta đón nhận mỗi ngày với một cái nhìn tốt đẹp hơn, thanh thản hơn, bởi vì khi Tin Mừng đi vào thế giới hôm nay, thì Tin Mừng tràn đầy Thiên Chúa. Tôi muốn đề nghị với anh chị em điều này, vào các Chúa nhật của năm phụng vụ này, Tin Mừng Luca, Tin Mừng của lòng thương xót, được công bố. Tại sao mỗi ngày, mỗi người không đọc một đoạn ngắn của Tin Mừng này? Chúng ta hãy làm quen với Tin Mừng, Lời sẽ mang lại cho chúng ta sự mới mẻ và niềm vui của Chúa!
Lời Chúa cũng là ngọn đèn dẫn lối cho tiến trình hiệp hành đã bắt đầu trong toàn Giáo hội. Khi chúng ta cố gắng lắng nghe nhau, với sự chú ý và phân định, chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe Lời Chúa và Chúa Thánh Thần. Xin Đức Mẹ ban cho chúng ta sự kiên trì để chúng ta được Tin Mừng nuôi dưỡng mỗi ngày.” (ĐTC Phanxicô, 23/01/2022)
Đọc tiếp »

LỜI CHÚA THÁNH HOÁ CHÚNG TA (ĐTC Phanxicô, 23/01/2022)


“Anh chị em thân mến, lời Chúa thay đổi chúng ta. Sự cứng nhắc không thay đổi chúng ta, nó che giấu chúng ta; Lời Chúa thay đổi chúng ta. Lời Chúa xuyên thấu tâm hồn chúng ta như một thanh gươm (xem Dt 4,12). Một mặt, Lời Chúa an ủi chúng ta bằng cách cho chúng ta thấy thiên nhan Chúa, mặt khác, Lời Chúa thách thức và làm phiền chúng ta, nhắc nhở chúng ta về những mâu

thuẫn của chúng ta. Lời Chúa làm chúng ta rung động. Lời Chúa không mang lại hòa bình cho chúng ta bằng cái giá là chấp nhận một thế giới thống trị bởi bất công và đói kém, nơi mà cái giá luôn phải trả bởi những người yếu đuối nhất. Người nghèo luôn luôn phải trả giá. Lời Chúa thách thức thói tự biện minh cho mình khiến chúng ta đổ lỗi mọi điều sai trái cho người khác và các tình huống khác.
Chúng ta cảm thấy đau đớn biết bao khi nhìn thấy anh chị em của mình chết trên biển vì không ai cho vào bờ! Và một số người làm điều này nhân danh Chúa. Lời Chúa mời gọi chúng ta bước ra ngoài trời, không che giấu sự phức tạp của các vấn đề, đằng sau cái cớ rằng “không thể làm được gì về điều đó” hoặc “đó là vấn đề của người khác”, hoặc “tôi có thể làm gì đây?”, “Hãy để yên như thế đi”. Lời Chúa thúc giục chúng ta hành động, kết hợp việc thờ phượng Chúa và chăm sóc cho con người. Vì thánh thư đã không được ban cho chúng ta để giải trí, dạy dỗ chúng ta bằng một tâm linh thiên thần, nhưng khiến chúng ta phải đi ra ngoài và gặp gỡ những người khác, đến gần vết thương của họ…
Lời của Người không loại bỏ chúng ta khỏi cuộc sống, nhưng đưa chúng ta vào cuộc sống, vào cuộc sống hàng ngày, lắng nghe những đau khổ của người khác và tiếng kêu của người nghèo, và nhìn ra những bạo lực và bất công đang làm tổn thương xã hội và thế giới của chúng ta. Lời Chúa thách thức chúng ta, với tư cách là các Kitô Hữu, đừng thờ ơ, nhưng hãy là những tín hữu Kitô năng động, sáng tạo, những Kitô Hữu tiên tri.
(ĐTC Phanxicô, 23/01/2022)
Đọc tiếp »

CHÚA NHẬT LỜI CHÚA (ĐTC Phanxicô, 24/01/2021)


“Đức Giáo Hoàng Phanxicô mong muốn, Chúa nhật Lời Chúa được cử hành hằng năm vào Chúa nhật III Thường niên. Chúa nhật này nhắc nhớ mọi thành phần dân Chúa, các Mục tử và các tín hữu, tầm quan trọng và giá trị của Kinh Thánh đối với đời sống Kitô hữu, cũng như mối liên hệ giữa Lời Chúa và Phụng vụ: “Chúng ta là Kitô hữu, như một dân đang lữ hành trong lịch sử, được nâng đỡ nhờ sự diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta, Đấng đang nói với chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta. Ngày dành riêng cho Kinh Thánh không phải là ‘mỗi năm một lần’, nhưng là một lần cho cả năm, vì chúng ta rất khẩn thiết cần phải trở nên gần gũi, mật thiết với Sách Thánh và với Chúa Giêsu phục sinh, Đấng không ngừng bẻ bánh Lời Chúa và bánh Thánh Thể giữa cộng đoàn tín hữu. Vì vậy, chúng ta cần phải gắn bó mật thiết với Kinh Thánh, nếu không, trái tim chúng ta sẽ băng giá, đôi mắt sẽ khép lại, và vô số hình thức đui mù sẽ tấn côngchúng ta.”(Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, 19/12/2020)
“Anh chị em thân mến, Chúa nhật này dành riêng cho Lời Chúa. Một trong những ân sủng tuyệt vời của thời đại chúng ta là việc tái khám phá Sách Thánh trong đời sống của Giáo hội ở mọi cấp độ. Chưa bao giờ mọi người có thể tiếp cận Kinh Thánh như ngày nay: bằng mọi ngôn ngữ và bây giờ ngay cả ở dạng nghe nhìn và kỹ thuật số. Thánh Giêrônimô, mà gần đây tôi đã nhắc đến vào dịp kỷ niệm 1,600 năm ngày mất của ngài, nói rằng những người bỏ qua Kinh thánh thì bỏ qua Chúa Kitô; những người phớt lờ Kinh thánh thì phớt lờ Chúa Kitô (xem trong Isaiam Prol.). Và ngược lại, chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, chết và sống lại, là Đấng khai mở tâm trí chúng ta để hiểu Sách Thánh (x. Lc 24:45). Điều này đặc biệt xảy ra trong Phụng vụ, nhưng cũng xảy ra khi chúng ta cầu nguyện một mình hoặc theo nhóm, đặc biệt là với Tin Mừng và với Thánh Vịnh. Tôi cám ơn và khích lệ các giáo xứ vì họ đã kiên định trong dấn thân giáo dục việc lắng nghe và làm theo Lời Chúa. Xin cho chúng ta đừng bao giờ thiếu niềm vui gieo Tin Mừng. Và tôi xin nhắc lại một lần nữa: cầu mong cho chúng ta có thói quen, xin cho chúng ta có thói quen luôn mang theo một cuốn Kinh Thánh nhỏ trong túi, trong cặp, để có thể đọc trong ngày, ít nhất là ba, bốn câu. Tin Mừng sẽ luôn ở với chúng ta.” (ĐTC Phanxicô, 24/01/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2023

THÁNH LỄ (Thánh Irênê-Giám mục)

"Hiến lễ của Hội Thánh mà Chúa dạy chúng ta phải dâng trên toàn thế giới được coi là hy lễ tinh tuyền trước nhan Thiên Chúa và được Người chấp nhận. Không phải Thiên Chúa cần chúng ta dâng hy lễ, nhưng vì ai dâng của lễ thì chính người đó được vinh dự qua của lễ mình dâng, nếu của lễ đó được chấp nhận. Quả vậy, nhờ của lễ mà người ta bày tỏ lòng kính trọng và mến yêu đối với Thiên Chúa...
Vì cũng như bánh là hoa mầu ruộng đất, khi lãnh nhận lời truyền phép, thì không còn là bánh thường nữa, mà là bánh tạ ơn, kết thành bởi hai yếu tố đất và trời ; cũng thế, thân xác chúng ta khi lãnh nhận bánh tạ ơn, thì không còn dễ bị mục nát nữa, vì nắm chắc niềm hy vọng phục sinh."
Đọc tiếp »

CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT (ĐTC Phanxicô, 20/01/2021)


“... Sự hiệp nhất chỉ có thể đạt được như một kết quả của việc cầu nguyện. Các nỗ lực ngoại giao và đối thoại học thuật là những điều không đủ. Những điều này đã được thực hiện, nhưng chúng vẫn chưa đủ. Chúa Giêsu biết điều này và đã mở đường cho chúng ta bằng cách cầu nguyện. Như vậy, lời cầu nguyện cho hiệp nhất của chúng ta là tham dự khiêm tốn nhưng đầy tin tưởng vào lời cầu nguyện của Chúa, Đấng đã hứa rằng bất cứ lời cầu nguyện nào nhân danh Người sẽ được Chúa Cha lắng nghe (x. Ga 15, 7). Tại thời điểm này, chúng ta có thể tự hỏi: "Tôi có cầu nguyện cho sự hiệp nhất không?" Đó là ý muốn của Chúa Giêsu, nhưng nếu chúng ta kiểm tra các ý định được chúng ta cầu nguyện cho, có lẽ chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta đã cầu nguyện rất ít, có lẽ không bao giờ, cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Ấy thế nhưng, đức tin của thế giới phụ thuộc vào nó; thật vậy, Chúa đã cầu xin cho chúng ta nên một “để thế gian tin” (Ga 17:21). Thế giới sẽ không tin vì chúng ta thuyết phục được họ bằng những lý lẽ xác đáng, nhưng nếu chúng ta làm chứng cho tình yêu vốn hợp nhất chúng ta, vốn kéo chúng ta lại gần nhau, thì đúng: thế giới sẽ tin.
Trong thời gian khó khăn nghiêm trọng hiện nay, lời cầu nguyện này càng cần thiết hơn để sự hợp nhất thắng thế các cuộc xung đột. Điều cấp thiết là chúng ta phải để qua một bên các sở thích để cổ vũ ích chung, và vì vậy gương tốt của chúng ta là điều căn bản: điều chủ yếu là các Kitô hữu theo đuổi con đường hướng tới sự hợp nhất hữu hình hoàn toàn. Trong những thập niên qua, nhờ ơn Thiên Chúa, đã có nhiều bước tiến tới nhưng chúng ta vẫn cần phải kiên trì trong yêu thương và cầu nguyện, không thiếu tin tưởng hay mệt mỏi. Đó là con đường mà Chúa Thánh Thần đã làm phát sinh trong Giáo hội, trong các Kitô hữu và trong chúng ta, không quay đầu khỏi con đường này. Mãi mãi tiếp tục tiến bước.
Cầu nguyện có nghĩa là đấu tranh cho sự hợp nhất. Vâng, hãy chiến đấu, vì kẻ thù của chúng ta, là ma quỷ, là kẻ gây chia rẽ, như chính từ ngữ đã nói. Chúa Giêsu xin Chúa Thánh Thần ban ơn hợp nhất, tạo nên sự hợp nhất. Ma quỷ luôn chia rẽ. Nó luôn luôn chia rẽ vì chia rẽ rất thuận tiện đối với nó. Nó cổ vũ cho sự chia rẽ ở mọi nơi và bằng mọi cách, trong khi Chúa Thánh Thần luôn kết hợp trong hợp nhất. Nói chung, ma quỷ không cám dỗ chúng ta bằng thần học cao siêu, nhưng bằng sự yếu đuối của anh chị em chúng ta. Nó rất tinh ranh: nó phóng đại các sai lầm và khuyết điểm của người khác, gieo rắc mối bất hòa, kích động chỉ trích và tạo bè phái. Thiên Chúa hành động cách khác: chúng ta có thế nào, Người đón nhận chúng ta như thế, Người yêu chúng ta rất nhiều, nhưng chúng ta như thế nào, Người yêu chúng ta như vậy, và chúng ta ra sao, Người đón nhận chúng ta như thế; Người đón nhận những người khác nhau trong chúng ta, Người đón nhận người tội lỗi, và Người luôn thúc đẩy chúng ta tiến tới sự hợp nhất. Chúng ta có thể tự đánh giá bản thân và tự hỏi mình xem tại những nơi chúng ta đang sống, chúng ta nuôi dưỡng xung đột hay đấu tranh cho việc gia tăng sự hợp nhất bằng các công cụ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: cầu nguyện và tình yêu. Thay vào đó, điều thúc đẩy xung đột là những câu chuyện ngồi lê đôi mách, luôn nói sau lưng mọi người. Ngồi lê đôi mách là vũ khí tiện dụng nhất mà ma quỷ có để chia rẽ cộng đồng Kitô giáo, chia rẽ các gia đình, chia rẽ bạn bè, chia rẽ luôn luôn. Chúa Thánh Thần luôn linh hứng sự hiệp nhất.” (ĐTC Phanxicô, 20/01/2021)
Đọc tiếp »

HIỆP NHẤT (ĐTC Phanxicô, 20/01/2021)


“... tuần lễ từ ngày 18 đến ngày 25 tháng Giêng được dành riêng cho việc này: cầu xin Thiên Chúa ban cho hồng phúc hiệp nhất để vượt qua tai tiếng chia rẽ giữa các tín hữu của Chúa Giêsu.
Sau Bữa Tiệc Ly, Người đã cầu nguyện cho các tín hữu của Người, “để tất cả chúng nên một” (Ga 17:21). Đây là lời cầu nguyện của Người trước cuộc Khổ nạn, chúng ta có thể gọi đó là chúc thư tinh thần của Người. Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý điều này: Chúa không ra lệnh các môn đồ của Người phải hiệp nhất. Không, Người đã cầu nguyện. Người cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng ta, để chúng ta nên một. Điều này có nghĩa là chúng ta không thể đạt được sự hợp nhất bằng chính sức mình. Trên hết, sự hợp nhất là một hồng phúc, nó là một ơn thánh cần được cầu xin qua lời cầu nguyện.
Mỗi người trong chúng ta đều cần nó. Thực thế, chúng ta biết chúng ta không có khả năng duy trì sự hiệp nhất ngay trong chính chúng ta. Ngay cả Thánh tông đồ Phaolô cũng cảm thấy mâu thuẫn đau đớn trong bản thân: muốn điều thiện nhưng lại nghiêng về điều ác (xem Rm 7:19). Nhờ thế, ngài đã nắm được gốc rễ của rất nhiều chia rẽ bao quanh chúng ta - giữa người ta, trong gia đình, trong xã hội, giữa các quốc gia và thậm chí giữa các tín hữu - và bên trong chúng ta. Công đồng Vaticanô II đã tuyên bố, “sự mất cân bằng mà thế giới đang lao khổ được liên kết với sự mất cân bằng căn bản hơn vốn bắt nguồn từ trái tim con người. Vì nơi con người, nhiều yếu tố đang vật lộn với nhau. […] Do đó, họ phải chịu đựng nhiều chia rẽ nội bộ, và từ những chia rẽ này phát sinh ra nhiều bất hòa lớn lao trong xã hội” (Gaudium et spes, 10).
Vì vậy, giải pháp cho các chia rẽ này là không nên chống lại một ai, bởi vì sự bất hòa sẽ phát sinh ra nhiều bất hòa hơn. Phương thuốc thực sự bắt đầu bằng cách cầu xin Thiên Chúa ban hòa bình, hòa giải, hiệp nhất...” (ĐTC Phanxicô, 20/01/2021)
Đọc tiếp »

CHÚA GIÊSU: LỜI CỦA THIÊN CHÚA (ĐTC Phanxicô, giáo lý 18/01/2023:)


“Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!
Thứ Tư tuần trước, chúng ta đã bắt đầu một chu kỳ giáo lý về niềm đam mê rao giảng Tin Mừng, nghĩa là về lòng nhiệt thành tông đồ phải làm sinh động Giáo hội và mỗi Kitô hữu. Hôm nay chúng ta nhìn vào mẫu gương công bố khó lòng vượt qua được: Chúa Giêsu, Đấng mà Tin Mừng

Lễ Giáng Sinh gọi là “Lời Thiên Chúa” (x. Ga 1,1).
Việc Người là Ngôi Lời cho chúng ta thấy một khía cạnh thiết yếu của Chúa Giêsu: Người luôn tương quan, đi ra ngoài, không bao giờ cô lập, luôn ở trong tương quan, đi ra ngoài; trên thực tế, lời nói hiện hữu để được truyền đi, được thông truyền. Chúa Giêsu là như vậy, Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha được ngỏ với chúng ta, được thông truyền cho chúng ta. Đức Kitô không chỉ có lời ban sự sống, nhưng Người biến cuộc đời mình thành Lời, thành sứ điệp: nghĩa là Người sống luôn hướng về Chúa Cha và về chúng ta. Luôn nhìn về Chúa Cha là Đấng đã sai Người và nhìn chúng ta là những người Người được sai đến.
Thật vậy, nếu chúng ta nhìn vào những ngày của Người, được mô tả trong Tin Mừng, chúng ta thấy rằng sự thân mật với Chúa Cha, việc cầu nguyện, được đặt lên hàng đầu, vì thế Chúa Giêsu dậy sớm, khi trời còn tối, và đi vào những nơi vắng vẻ để cầu nguyện (xem Mc 1,35; Lc 4,42) để thưa chuyện với Chúa Cha. Mọi quyết định và chọn lựa quan trọng nhất đều được thực hiện sau khi đã cầu nguyện (x. Lc 6,12; 9,18). Chính trong mối tương quan này, trong lời cầu nguyện liên kết Người với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần này, mà Chúa Giêsu khám phá ra ý nghĩa việc Người làm người, việc Người hiện hữu trong thế gian vì Người đang thi hành sứ vụ cho chúng ta, được Chúa Cha sai đến với chúng ta.
Về phương diện này, cử chỉ công khai đầu tiên mà Người thực hiện sau nhiều năm sống ẩn dật ở Nadarét thật đáng lưu ý. Chúa Giêsu không thực hiện một phép lạ vĩ đại, Người không gửi một thông điệp hữu hiệu, nhưng trà trộn với những người đi chịu phép rửa của Gioan. Như thế, Người cống hiến cho chúng ta chìa khóa hiểu hành động của Người trong thế giới: ra sức hết mình vì tội nhân, bày tỏ tình liên đới với chúng ta không phân cách, trong việc chia sẻ trọn vẹn sự sống.
Thật vậy, khi nói về sứ vụ của Người, Người nói rằng Người không đến “để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình” (Mc 10,45). Mỗi ngày, sau khi cầu nguyện, Chúa Giêsu dành cả ngày để loan báo Nước Thiên Chúa và dành cả ngày ấy cho người ta, đặc biệt cho những người nghèo nhất và yếu đuối nhất, cho những người tội lỗi và bệnh tật (x. Mc 1,32-39). Nghĩa là Chúa Giêsu tiếp xúc với Chúa Cha trong cầu nguyện, rồi tiếp xúc với mọi người để truyền giáo, để dạy giáo lý, để dạy con đường dẫn đến Nước Thiên Chúa…”
Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2023

DÂNG LỄ ĐẸP LÒNG CHÚA


Trích khảo luận Chống lạc giáo của thánh I-rê-nê, giám mục :
“Hiến lễ của Hội Thánh mà Chúa dạy chúng ta phải dâng trên toàn thế giới được coi là hy lễ tinh tuyền trước nhan Thiên Chúa và được Người chấp nhận. Không phải Thiên Chúa cần chúng ta dâng hy lễ, nhưng vì ai dâng của lễ thì chính người đó được vinh dự qua của lễ mình dâng, nếu của lễ đó được chấp nhận.
Quả vậy, nhờ của lễ mà người ta bày tỏ lòng kính

trọng và mến yêu đối với một vị vua. Đó là điều Chúa đã giảng dạy, khi muốn chúng ta dâng của lễ với tất cả lòng đơn sơ trong trắng : Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Chúng ta phải dâng cho Thiên Chúa những của đầu mùa trong các loài Chúa đã dựng nên, như ông Mô-sê nói : Ngươi không được đến tay không trước nhan Chúa là Thiên Chúa của ngươi. Như vậy, khi bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vì những ơn Người ban, con người được nên đẹp lòng Thiên Chúa và được Người ban cho vinh dự…
Vì thế, chúng ta phải dâng hiến lễ lên Thiên Chúa, và trong mọi sự, phải đem lòng biết ơn đối với Đấng Hoá Công là Thiên Chúa mà dâng lên Người các của đầu mùa trong các loài thụ tạo Người đã dựng nên, ý hướng phải trong sạch, lòng tin chân thành, lòng cậy bền vững, và lòng mến thiết tha. Chỉ Hội Thánh mới hiến dâng lễ vật tinh tuyền này lên Đấng Hoá Công, khi đem lòng tri ân mà dâng lên Người hiến lễ lấy từ trong những gì Người đã dựng nên.”
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

LÒNG MẾN (Thánh giáo hoàng Clementê I)

"Ai có lòng mến trong Đức Ki-tô, hãy thực hành những điều Đức Ki-tô truyền. Ai giải thích nổi mối dây ràng buộc của lòng mến Thiên Chúa ? Ai diễn tả được vẻ đẹp huy hoàng của lòng mến ấy ? Lòng mến đưa chúng ta lên tới chiều cao khôn tả. Lòng mến gắn chặt chúng ta với Thiên Chúa, lòng mến che phủ muôn vàn tội lỗi. Lòng mến chịu đựng tất cả, bao dung tất cả một cách kiên nhẫn ; trong lòng mến không có gì nhơ nhớp, không một chút kiêu căng ; lòng mến không chấp nhận chia rẽ, không xúi giục nổi loạn ; lòng mến làm mọi sự trong tinh thần hoà hợp ; tất cả những người được Thiên Chúa tuyển chọn đều nên hoàn thiện nhờ lòng mến. Không có lòng mến thì chẳng có gì làm đẹp lòng Thiên Chúa..."
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.