Ads 468x60px

Hiển thị các bài đăng có nhãn Tin Giáo hội. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tin Giáo hội. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

ĐGH Phanxicô: Bài giảng trong giờ cầu nguyện và ban phép lành Urbi et Orbi

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Thư Mục vụ Mùa Vọng và Giáng Sinh 2016

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
E.mail: tgmsaigon@gmail.com
Số 231.1_161114_03
Ngày 14 tháng 11 năm 2016

THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG - GIÁNG SINH 2016
“Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse,
cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,
16)
1. Quý cha, quý tu sĩ nam nữ và chủng sinh, cùng anh chị em giáo dân rất thân mến!
Mùa Vọng và Giáng Sinh năm nay diễn ra trong bầu khí đau thương, mất mát và cơ cực của đồng bào miền Trung sau trận lũ lụt vừa qua. Trong tư cách là người mục tử còn nhiều giới hạn và bất xứng, chúng tôi muốn cùng với anh chị em hướng đến ngày Quang Lâm của Đức Kitô, với tâm tình yêu mến mong chờ Chúa và hiệp thông với anh chị em của chúng ta.
2.  Chúng ta chờ đợi và khao khát Chúa, chúng ta hướng về Thiên Đàng, quê hương đích thực của chúng ta. Chúng ta cầu mong “trời xé ra” để Thiên Chúa ngự xuống giữa chúng ta, để Thiên Chúa đến viếng thăm chúng ta. Nhưng việc chờ đợi Chúa, hướng lòng lên Chúa, không thể làm cho chúng ta quên đi thực tại trần thế. Chính việc hướng lòng lên Chúa giúp chúng ta dễ dàng mở lòng ra cho anh chị em, nhất là những người nghèo khổ, thay vì chỉ ích kỷ nghĩ tới bản thân với việc thăng tiến cá nhân hay vui chơi hưởng thụ.
3. Năm nay, Giáo Hội toàn cầu cũng như Giáo Hội Việt Nam đều mời gọi chúng ta, trong khi hướng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, hãy lưu tâm đến “mục vụ gia đình”, đến đời sống các gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ, hết lòng chăm sóc họ như Chúa Giêsu và Hội Thánh mong ước. Đời sống gia đình hiện tại đang phải đối diện với quá nhiều vấn đề, không chỉ là vấn đề cơm áo gạo tiền, mà sâu xa hơn còn là vấn đề nhân phẩm, vấn đề tình yêu đích thực... Như các mục đồng, chúng ta cùng ra đi đến với các gia đình, và giúp họ khám phá ra Thiên Chúa là tình yêu đang ở giữa họ, như tại Thánh gia thất năm xưa: “Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Hãy dành thời giờ chăm sóc, gìn giữ và bảo vệ tình yêu gia đình. Hãy kiên nhẫn lắng nghe và đối thoại trong tinh thần tôn trọng nhau để tình yêu gia đình ngày càng triển nở. Hãy cảm nghiệm có Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, ở trong gia đình chúng ta. Hãy để cho Chúa Giêsu, Tình Yêu Nhập Thể của Thiên Chúa, lớn lên trong mỗi gia đình giúp cho chúng ta dễ dàng thông cảm, chấp nhận nhau và tha thứ cho nhau.
4. Ngoài ngôi nhà gia đình nhỏ bé của mỗi người, còn có ngôi nhà chung là vũ trụ thiên nhiên, mà trong ánh sáng tình yêu Giáng Sinh, chúng ta cũng được mời gọi chăm sóc bảo vệ. Đây là vấn đề môi sinh mà cả đạo và đời đều ý thức và quyết tâm liên kết, hợp tác chặt chẽ để cùng nhau giải quyết. Trong thực tế chúng ta đã làm được gì, và đã làm tới đâu? Hay chúng ta đang để mặc cho những cá nhân hoặc tổ chức, vì lợi nhuận mà hành động tùy tiện dẫn đến hủy hoại môi trường, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như vấn đề ô nhiễm môi trường biển do Formosa; vấn đề hóa chất làm mất an toàn thực phẩm, làm vẩn đục nguồn nước; vấn đề điều tiết nước chưa hợp lý tại các đập thủy điện, khiến ngập lụt càng thêm nặng nề; vấn đề xả rác bừa bãi làm ô nhiễm và mất vệ sinh môi trường.
Chính việc hướng lòng lên cùng Chúa giúp chúng ta đoàn kết, liên đới với nhau, lá lành đùm lá rách; đồng thời, cùng nhau quan tâm bảo vệ, phát triển ngôi nhà chung là vũ trụ và thế giới vật chất này, mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta làm người quản lý. Trong tình yêu Giáng Sinh, chúng ta xác tín mình được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, mẫu mực cho đời sống chúng ta là “Ba Ngôi Thiên Chúa”, là “Thánh Gia Thất”; từ đó, chúng ta được mời gọi hãy yêu thương nhau, hướng về nhau, đối thoại với nhau, đừng loại trừ ai và đừng làm cho người khác phải đau khổ.
5. Anh chị em và đặc biệt các bạn trẻ thân mến! Trong bầu khí Giáng Sinh, chúng tôi kêu gọi anh chị em, dù còn nhiều bận tâm và khó khăn trong cuộc sống, đừng bao giờ quên hay sao nhãng việc loan báo Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa, Tin Mừng của Lòng Thương Xót. Như các mục đồng, chúng ta hãy rủ nhau: “Nào ta cùng đi Bêlem” (Lc 2,15) để gặp gỡ Chúa Giêsu. Hãy làm cho những người chung quanh nhận ra tình yêu Thiên Chúa đang hiện diện nơi chúng ta, nơi gia đình chúng ta, cộng đoàn chúng ta, giáo xứ chúng ta, qua những lời nói yêu thương, thông cảm và bằng những hành động bác ái, chia sẻ.
6. Giáng Sinh là ngày lễ của niềm vui và sự sống, như lời sứ thần loan báo: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại: Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít... Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,10-12). Chúng ta được mời gọi cử hành, loan báo và sống trọn vẹn niềm vui ấy. Chúng ta có sứ mạng cùng với mọi người thiện chí xây dựng quê hương trần thế này sao cho thật tốt đẹp, phù hợp với nền “văn minh tình thương” và “văn minh sự sống”. Vì thế, đừng để cho “nền văn minh sự chết” xâm nhập vào, đừng để cho nạn phá thai, nạn bạo lực gia đình, hủy hoại các gia đình công giáo của chúng ta.
7. Để chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh, theo thói quen của người công giáo Việt Nam, chúng ta thường làm hang đá giáng sinh trong gia đình, trong giáo xứ. Có những khu phố, những con đường trưng bày nhiều hang đá giáng sinh thật lộng lẫy. Nếu chúng ta nhiệt tình trong việc làm các hang đá giáng sinh cho Chúa Giêsu Hài Đồng, thì chúng ta cũng phải tích cực chuẩn bị chào đón Chúa với tâm hồn thật xứng đáng, trang điểm bằng các nhân đức và ân sủng của Thiên Chúa. Muốn như thế, mọi người hãy dọn mình cho chu đáo, cụ thể bằng việc giao hòa với Chúa và tha nhân qua bí tích Hòa giải. Ngay chính bản thân chúng tôi cũng thấy mình rất yếu đuối và nhiều tội lỗi, nên chúng tôi chắc chắn cũng sẽ đi xưng tội để chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh. Xin anh chị em cầu nguyện nhiều cho chúng tôi.
8. Lễ Giáng Sinh cũng là dịp mà Giáo Hội phải lưu tâm chăm sóc người nghèo một cách đặc biệt. Chúng tôi đề nghị mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn dòng tu hãy chuẩn bị một phần quà vật chất cụ thể cho những hoàn cảnh khó khăn ngay bên cạnh mình. Những món quà trong dịp Giáng Sinh này sẽ mang lại niềm vui và nhất là niềm hy vọng cho những người nghèo, để họ có điều kiện mừng lễ và cảm nhận được sự gần gũi sống động của tình yêu Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu là hiện thân của Lòng Thương Xót,
xin đổi mới con tim nhân loại và trái tim mỗi người chúng con,
để chúng con xứng đáng là thần dân trong Vương Quốc Tình Yêu của Chúa.

Cầu chúc cho quý cha, quý tu sĩ nam nữ và chủng sinh, cùng tất cả anh chị em một Mùa Vọng thật sốt sắng và một lễ Giáng Sinh thật vui tươi. Ước mong Bình An và Ân Sủng của Thiên Chúa luôn ở cùng tất cả mọi người chúng ta.
Mục tử của anh chị em,
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám Mục
+ Giuse ĐỖ MẠNH HÙNG
Giám mục phụ tá

(đã ký và đóng dấu)
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Hội đồng Giám mục Việt Nam: Nhân sự cho nhiệm kỳ 2016-2019


WHĐ (06.10.2016) -- Tại phiên họp buổi chiều ngày thứ hai trong khuôn khổ Đại hội lần thứ XIII của Hội đồng Giám mục Việt Nam (tức thứ Tư, 5 tháng Mười), các Đức giám mục Việt Nam đã bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Ủy ban trực thuộc HĐGMVN cho nhiệm kỳ mới (2016-2019). Kết quả như sau:

Ban Thường vụ:
1. Chủ tịch HĐGMVN: Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục giáo phận Thanh Hoá;
2. Phó Chủ tịch HĐGMVN: Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục giáo phận Phát Diệm;
3. Tổng Thư ký HĐGMVN: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho;
4. Phó Tổng Thư ký HĐGMVN: Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục giáo phận Hải Phòng.
Các Chủ tịch các Ủy ban trực thuộc HĐGMVN:
01. UB Giáo lý Đức tin: Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng giám mục Tổng giáo phận TP. HCM;
02. UB Kinh thánh: Đức cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục giáo phận Nha Trang;
03. UB Phụng tự: Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám mục phó giáo phận Bà Rịa;
04. UB Nghệ thuật thánh: Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục giáo phận Qui Nhơn;
05. UB Thánh nhạc: Đức cha Vinh sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục giáo phận Ban Mê Thuột;
06. UB Loan báo Tin mừng: Đức cha Alphonsô Nguyễn Hữu Long, Giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hoá;
07. UB Giáo sĩ chủng sinh: Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Đà Lạt;
08. UB Tu sĩ: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, SDB, Giám mục giáo phận Thái Bình;
09. UB Giáo dân: Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục phụ tá giáo phận Long Xuyên;
10. UB Truyền thông Xã hội: Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục giáo phận Phú Cường;
11. UB Giáo dục Công giáo: Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục giáo phận Xuân Lộc;
12. UB Mục vụ Giới trẻ và Thiếu nhi: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám mục phụ tá giáo phận Vinh;
13. UB Văn hoá: Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục giáo phận Phan Thiết;
14. UB Công lý và Hòa bình: Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP, Giám mục giáo phận Vinh;
15. UB Mục vụ Gia đình: Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng;
16. UB Bác ái Xã hội - Caritas: Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Giám mục giáo phận Bùi Chu;
17. UB Mục vụ Di dân: Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục phụ tá Tổng giáo phận TP. HCM.
Cha Gioan Baotixita Ngô Đình Tiến xin ngưng công tác Thư ký Giáo tỉnh Huế vì công việc của giáo phận; cha Phêrô Trần Huy Hoàng thuộc giáo phận Nha Trang sẽ thay thế.
Đại hội vẫn tiếp tục làm việc trong hai ngày tới và sẽ kết thức vào thứ Sáu ngày 7 tháng Mười, lễ Đức Mẹ Mân Côi.
(Nguồn: WHĐ)
Đọc tiếp »

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Thư Mục vụ Mùa Chay - Phục Sinh 2016 ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc

(nguồn http://tgpsaigon.net/)
THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY
VÀ MÙA PHỤC SINH 2016
“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần của lễ”
(Mt,9,13)


Kính gửi quý linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh
và anh chị em giáo dân rất thân mến,
Thư Mục Vụ Mùa Chay và Mùa Phục Sinh năm nay có chủ đề là “Lòng Thương Xót”, vì năm nay là “Năm Thánh của Lòng Thương Xót”. Câu Tin Mừng Mátthêu 9,3: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” đã gợi hứng cho Đức Thánh Cha Phanxicô soạn ra Sứ điệp Mùa Chay năm 2016.
1. “Mùa Chay của Lòng Thương Xót” chính là tâm tình và suy tư đầu tiên của thư Mục vụ này. Như trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay của Đức Thánh Cha Phanxicô, Mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được mạc khải qua những hành động cụ thể trong lịch sử cứu độ. Thiên Chúa đã tỏ lộ Ngài luôn luôn là Đấng Giàu Lòng Thương Xót, sẵn sàng chăm sóc Dân Chúa với lòng nhân ái và sự cảm thông, đặc biệt trong những giai đoạn bi thảm, khi Dân Chúa bất trung. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa Cha đã tỏ lộ lòng thương xót vô biên của mình, làm cho Ngôi Lời trở thành “Lòng Thương Xót Nhập Thể”. Chúng ta được mời gọi đi vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua những việc làm của lòng thương xót, được gợi ý từ Kinh Thương người có 14 mối, thương xác 7 mối, thương linh hồn 7 mối”.
2. Mùa Chay năm nay phải là “Mùa Chay Thánh Thiện”. “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” chính là “Đấng Thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện”. Cầu nguyện, chính là việc làm thứ hai trong Mùa Chay này: cầu nguyện, gặp gỡ Chúa qua giờ kinh, qua những lúc thinh lặng trước Mình Thánh Chúa, qua việc suy niệm lắng nghe Lời Chúa, và nhất là qua cử hành Thánh lễ, chóp đỉnh của sinh hoạt cầu nguyện. Đặc biệt trong năm nay, gặp gỡ Chúa Giêsu trong Bí tích Giải tội là phương thế tuyệt hảo để cảm nhận và đi vào Lòng Thương Xót thứ tha của Thiên Chúa. Hãy để Thiên Chúa là Đấng Thánh chữa lành và thánh hóa tâm hồn chúng ta.
3. Muốn là Mùa Chay thánh thiện, phải là Mùa Chay có nhiều hy sinh và hãm mình trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta có thể hy sinh rất nhiều điều, trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Với những hy sinh này, Mùa Chay Thánh còn được gọi là Mùa Chiến Đấu thiêng liêng: chúng ta chống lại thần dữ và các cơn cám dỗ của nó; chúng ta chống lại thế gian và những khuynh hướng xấu đang ảnh hưởng tiêu cực trên chúng ta; chúng ta chống lại xác thịt nặng nề với đầy dẫy những nết hư tật xấu, chế ngự nó và đem lại chiến thắng cho tinh thần của chúng ta. Từ đó, Mùa Chay là mùa của canh tân đổi mới, là mùa của hành trình thống hối, hành trình dài hơi và lâu năm chứ không phải một sớm một chiều. Chúng ta hành trình trong sa mạc, chúng ta tìm Nhan Thánh Chúa, hít thở Thần Khí cư ngụ trong sa mạc.
4. Anh chị em thân mến, tôi nhìn thấy tôi qua lăng kính Mùa Chay Thánh. Tôi thấy mình chưa thực hiện được những “việc làm của lòng thương xót”. Tôi thấy mình còn thiếu cầu nguyện rất nhiều, chưa gặp gỡ Chúa đích thực, chưa đắm mình trong Tình Yêu của Chúa, chưa hít thở đủ Thần Khí. Tôi thấy mình chưa hãm mình, chưa hy sinh, chưa thực sự chiến đấu chống lại sự dữ. Tôi đã sa ngã rất nhiều lần, nhưng không nhanh chóng chỗi dậy chạy đến cùng Thiên Chúa là Cha của tôi. Tôi đã thiếu lòng đạo đức và sự thánh thiện, tâm hồn không trong sạch, chứa đựng nhiều rác rưởi. Tôi chỉ còn biết chờ đợi ở Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng không xét xử, nhưng sẵn sàng tha tội cho tôi, chữa lành tôi và biến đổi tôi.
Xin Thiên Chúa đoái nhìn đến tất cả chúng ta bằng một cái nhìn đầy tình thương mến. Tình Thương sẽ khỏa lấp muôn vàn tội lỗi và chúng ta lại được hưởng Nhan Thánh Chúa, chiêm ngắm “Gương Mặt của Lòng Thương Xót” với tất cả tình yêu và niềm vui của con người được xót thương, chăm sóc.
5. Chóp đỉnh của Mùa Chay Thánh là Thánh Lễ Chúa Phục Sinh, mừng Chúa Giêsu được Chúa Cha cho Sống Lại từ cõi chết nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa Kitô Phục Sinh mở ra cho loài người chúng ta một “Kỷ Nguyên Mới”, Kỷ Nguyên của sự Sống Lại và Sự Sống Mới trong Thần Khí, Đấng là “Tác Nhân Chính” của công việc Loan Báo Tin Mừng. Ngài sẽ mang đến, cho mọi người, Niềm Vui lớn lao của Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa, được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Chúng ta hãy đứng thẳng và ngẩng cao đầu để đón nhận Niềm Vui đó của Tin Mừng, đón nhận Tình Yêu của Thiên Chúa.
6. Đầy tin yêu và hy vọng, tôi rất hãnh diện vì được làm con của Thiên Chúa, làm môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, làm anh em và bạn hữu với anh chị em và các bạn khác, đồng môn với tôi. Lòng tôi không lúc nào nghỉ yên cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.
Cầu chúc cho tất cả anh chị em một Mùa Chay đạo đức, thánh thiện, tràn đầy Tình Yêu và Ân Sủng của Thiên Chúa và một lễ Phục Sinh tràn đầy niềm vui và bình an của Lòng Chúa Thương Xót trong Chúa Giêsu Phục sinh.
Xin anh chị em cầu nguyện thật nhiều cho tôi, người mục tử mà Chúa đã cắt đặt để chăm sóc tất cả anh chị em, để tôi nhiệt thành dấn thân phục vụ mọi người nhiều hơn nữa.
Tòa Tổng Giám Mục Tp.HCM, ngày 03-02-2016
(đã ký và đóng dấu)
+ Phaolô Bùi Văn Đọc
Tổng Giám Mục
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

ĐHY FERNANDO FILONI TẠI THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC BÀ SÀI GÒN


Bài: Linh Hữu & Văn Chiến

WGPSG -- Chúa đích thân gọi tên từng người để mời họ đi theo Ngài trên con đường truyền giáo. Tên mỗi người đều được ghi khắc trong tim và trên tay của Chúa, giống như truyền thuyết kể về Tôma đã trông thấy tên mình trong vết thương trên tay của Chúa để kêu lên: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!"

Đấy là lời nhắn nhủ của ĐHY Filoni trong bài giảng tại Nhà thờ chính toà của Tổng Giáo phận TP.HCM khi ngài đến thăm Sài Gòn.

Đến Sài Gòn

Đức Hồng y Fernando Filoni (ĐHY Filoni) đã rời Toà Giám mục Xuân Lộc lúc 20g30. Khi vào địa bàn TP.HCM, đoàn xe đưa rước ĐHY Filoni đã dạo một vòng các con đường ở trung tâm Sài Gòn để ngài có dịp ngắm nhìn thành phố về đêm. Khi tới Toà Tổng Giám mục TP.HCM lúc 22g30,  đoàn xe từ từ tiến vào khuôn viên trong tràng pháo tay dòn dã của đại diện cộng đoàn dân Chúa Sài Gòn đã đứng thành hàng rào danh dự chờ sẵn tại đây.

Sau lời chào mừng ngắn gọn của Đức Tổng Giám mục Sài Gòn Phaolô Bùi Văn Đọc, ĐHY Filoni đã diễn tả sự ngạc nhiên trước cuộc chào đón trong đêm đầy nhiệt tình của cộng đoàn dân Chúa tại đây. Ngài mời mọi người tham dự Thánh lễ sáng mai tại Nhà thờ chính toà và chúc mọi người một đêm ngon giấc. Các đại diện dân Chúa đã ra về sau khi chụp hình chung theo nhóm với ĐHY Filoni.

Thánh lễ tại Nhà thờ chính toà của Tổng Giáo phận TP.HCM

ĐHY Filoni đã chủ sự Thánh lễ đồng tế trong ngôi thánh đường 135 tuổi của Sài Gòn vào sáng ngày 25-01-2015 với sự tham dự của gần 1.500 tu sĩ và giáo dân.

Đúng 8g, ĐHY Filoni cùng đoàn đồng tế từ nhà xứ tiến ra Quảng trường Hòa Bình, xông hương tượng Đức Mẹ Hòa Bình rồi tiến vào nhà thờ. Đồng tế với ngài có ĐTGM Leopoldo Girelli, ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm, ĐGM Đaminh Vũ Huy Chương, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống, ĐGM Stêphanô Tri Bửu Thiên, ĐGM Tôma Nguyễn Văn Trâm, ĐGM Phêrô Trần Đình Tứ, ĐGM Giuse Nguyễn Tấn Tước, ĐGM Giuse Đinh Đức Đạo, ĐGM Giuse Trần Văn Toản, Đức Ông Barnaba Nguyễn Văn Phương và hơn 300 linh mục trong và ngoài Tổng giáo phận.

Trước Thánh lễ, ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc long trọng chào mừng ĐHY Filoni và trình bày những nét chính yếu về 10 giáo phận của Giáo tỉnh Sài Gòn. Ngài báo cáo về Tổng Giáo phận TP.HCM: có 683.988 giáo dân cùng với 550.000 di dân công giáo trên tổng số 7.395.078 dân định cư cùng với hơn 2 triệu di dân (9,25 %), 785 linh mục, 952 tu sĩ, 4.294 nữ tu. Thay mặt cộng đoàn, ngài đã dâng tặng ĐHY Tổng trưởng bức tranh thêu XQ mang chủ đề “Cánh cò quê hương” nhằm giới thiệu vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam (mảnh mai duyên dáng và siêng năng nhẫn nại như những cánh cò) cũng như khả năng truyền giáo của các nữ tu Việt Nam. Những bó hoa tươi thắm cũng đã được các cháu thiếu nhi dâng tặng ĐHY và các ĐGM.

Đáp từ, ĐHY Filoni cảm ơn sự đón tiếp chân thành của cộng đoàn dân Chúa Giáo tỉnh Sài Gòn, đồng thời gửi tặng một áo lễ để kỷ niệm chuyến viếng thăm của ngài.

Trong bài giảng lễ, ĐHY Filoni trước hết dâng lời cảm tạ Thiên Chúa và cảm ơn hàng giáo phẩm, cùng cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam đã cho ngài được trải nghiệm vẻ đẹp đức tin sống động của dân Chúa Việt Nam và niềm vui của hơn 222 tân tòng vừa được ngài và các giám mục ban các bí tích khai tâm ở Việt Nam. Đây là một kỷ niệm quý báu mà ngài sẽ khắc sâu trong tim và sẽ về thuật lại với Đức Thánh Cha Phanxicô (ĐTC) với hy vọng ĐTC sẽ có thể đích thân đến thăm các tín hữu Việt Nam.

Chia sẻ các bài đọc của Thánh lễ, ĐHY Filoni mời gọi cộng đoàn suy niệm câu Thánh vịnh: “Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài” (Tv 24,4b) để lựa chọn bước theo Chúa và trưởng thành trên con đường đức tin. Chúa đích thân gọi tên từng người để mời họ đi theo Ngài trên con đường truyền giáo. Tên mỗi người đều được ghi khắc trong tim và trên tay của Chúa, giống như truyền thuyết kể về Tôma đã trông thấy tên mình trong vết thương trên tay của Chúa để kêu lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Theo Chúa, mỗi người có bổn phận giới thiệu Đức Giêsu cho mọi người để họ cũng “sám hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1,15). Cần phải noi gương Gioan Baotixita mạnh dạn dọn đường cho Chúa, rồi nhỏ đi để Chúa Giêsu được lớn lên: “Người phải nổi bật lên, còn thầy thì phải lu mờ đi” (Ga 3,30). Đây là nhiệm vụ của mọi Kitô hữu.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ĐHY Filoni đã chúc Tết âm lịch và gửi đến mỗi người một món quà tết nho nhỏ gồm cuốn “Khám phá một nguồn vui” và một phong bao đỏ với lời nhắn nhủ: “Mỗi người hãy khám phá niềm vui khi được biết Chúa, và sống đức tin trong gia đình qua kinh nguyện, và cầu nguyện mọi lúc mọi nơi”.

Thánh lễ kết thúc lúc 10g với lời cám ơn cha Tổng Đại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân.


Sau đó, ĐHY đã đến thăm ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, gặp gỡ các chủng sinh ở Đại Chủng viện Thánh Giuse và chuyện trò với cộng đoàn Dân Chúa tại Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM.
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Thư chúc mừng Giáng sinh và Năm mới 2015 của Hội đồng Giám mục Việt Nam




Đọc tiếp »

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Giáo xứ Hà Nội: Tôn kính Đức Mẹ Fatima và Cầu nguyện cho Tổ quốc

WGPSG -- Đáp ứng lời mời gọi của HĐGM Việt Nam, vào lúc 12 giờ trưa ngày 13/5/2014, giáo xứ Hà Nội đã tổ chức buổi Tôn kính Đức Mẹ Fatima và Cầu nguyện cho Tổ quốc. Mặc dù trời nóng bức (35oc) nhưng đã có hơn 400 người đến tham dự buổi cầu nguyện do Hiệp hội Thánh Mẫu phụ trách.
Mở đầu buổi cầu nguyện, cộng đoàn hát kinh Chúa Thánh Thần và đọc kinh Tin, Cậy, Mến, kinh Ăn năn tội. Sau đó, cha Giuse chia sẻ vài lời tâm tình với cộng đoàn về gốc tích và ý nghĩa của buổi cầu nguyện hôm nay. Năm 1917, trước tình hình thế giới đang bị chủ thuyết vô thần lôi kéo, làm cho đức tin của Giáo hội bị lung lay, Đức Mẹ đã hiện ra tại Fatima (Bồ Đào Nha) với 03 trẻ chăn chiên là Lucia, Phanxicô và Giaxinta. Qua những cuộc hiện ra này, Đức Mẹ nhắn nhủ cho các Kitô hữu thực hiện 03 mệnh lệnh: Hãy ăn năn đền tội, siêng năng lần hạt mân côi, tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ để cứu vãn thế giới khỏi chủ thuyết vô thần… Năm 1982, sau biến cố bị ám sát một năm, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã sang Fatima để tạ ơn Đức Mẹ đã cứu ngài một cách lạ lùng, và ngài đã dâng thế giới cho Trái Tim Mẹ.
Sau phần chia sẻ, cộng đoàn tỏ lòng sám hối qua bài “Từ chốn tối tăm…”, và sốt sắng lần hạt Mân Côi: 5 sự Mừng, mỗi ngắm đều có một đoạn suy niệm và một bài hát tôn vinh Mẹ. Sau khi lần hạt xong, cộng đoàn tiếp tục đọc kinh Dâng gia đình cho Đức Mẹ và kinh Cầu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Sau phần kinh nguyện, cha chánh xứ công bố Lời Chúa (Ga 19, 25 – 27) và ngài chia sẻ về cuộc hiện ra cuối cùng của Đức Mẹ tại Fatima với hiện tượng mặt trời quay và bay xuống gần trái đất, khiến mọi người chứng kiến lúc đó phải kinh hoàng… Cuối bài chia sẻ, cha đã gióng lên một tiếng chuông để cảnh báo cho cộng đoàn biết về sự lâm nguy mà Tổ quốc đang phải đối mặt. Ngài xin cộng đoàn giáo xứ hãy cầu nguyện cho Tổ quốc được hòa bình, và hãy góp phần bảo vệ Tổ quốc theo như lời kêu gọi của HĐGM Việt Nam.
Sau phần chia sẻ của cha chánh xứ, cha Giuse đã ra chủ sự chầu Mình Thánh Chúa và ban phép lành trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng. Kết thúc chầu, cộng đoàn hướng về tòa Đức Mẹ Fatima cùng cất lên bài thánh ca mà lâu lắm rồi nay mới có dịp hát: “Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam, trời u ám bất công lan tràn. Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an, cho Việt Nam qua phút nguy nan…”.
Buổi cầu nguyện kết thúc lúc 13 giờ 30, mỗi người ra về được tặng ảnh hai Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II trong niềm cậy trông và hy vọng một nền hòa bình cho dân tộc Việt Nam.
(theo tin từ: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20140514/26043)
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Kêu gọi giáo dân hướng về biển đảo

Sau khi phía Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào lãnh thổ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) Phaolô Bùi Văn Đọc đã có thư khẩn kêu gọi giám mục, linh mục, tu sỹ, giáo dân thuộc các giáo phận trên cả nước hướng về ngư dân, các chiến sỹ đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc tại biển Đông. Còn các học giả, các nhà nghiên cứu Phật giáo quốc tế, họ đều phản đối hành động của Trung Quốc.
Kêu gọi giáo dân hướng về biển đảo
Ngày 9/5, Tổng Giám mục Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGMVN đã có thư kêu gọi các giáo phận tổ chức cầu nguyện cho quê hương.
Ngài kêu gọi người Công giáo Việt Nam rằng: Đây là lúc chúng ta cần biểu lộ trọn vẹn lòng ái quốc của mình theo lời Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI huấn dụ, “là người Công giáo tốt cũng là công dân tốt”. Lòng yêu nước thể hiện ở việc chúng ta không thể thờ ơ với tình hình của đất nước trong hiện tại cũng như tương lai.
Theo ghi nhận của phóng viên cho thấy, nhiều ngôi thánh đường thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, Giáo phận Phát Diệm, Giáo phận Vinh, Tổng Giáo phận TPHCM đã gióng chuông kêu gọi tín hữu để cầu nguyện cho công lý và hòa bình cho toàn vẹn lãnh thổ.
Ngay trong buổi chiều tối thứ Bảy (10/5) và ngày Chủ nhật (11/5) đã có hàng vạn bà con giáo dân tiến tới các thánh đường để cầu nguyện với khẩu hiệu “Tổ quốc cần chúng con xin có mặt” và sẵn sàng đóng góp giúp đỡ ngư dân, các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại biển Đông như một cánh tay nối dài để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.
Giáo dân Phạm Văn Thịnh, Giáo xứ Ninh Bình (Giáo phận Phát Diệm) nói: Là người kinh doanh bao giờ tôi cũng đặt lòng yêu đất nước, yêu Tổ quốc lên hàng đầu. Có hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ, tôi mới yên ổn kinh doanh.
Trao đổi với phóng viên về sự việc trên, Linh mục Joshep Vũ Khởi (Hà Nội) chia sẻ: Đối với giáo lý Công giáo, dạy con người ăn ngay ở lành, bảo vệ lẽ phải. Chính vì vậy, ngay sau khi nhận được thông tin về việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm lãnh hải, uy hiếp ngư dân Việt Nam, chúng tôi đã tổ chức buổi cầu nguyện cho ngư dân, cho những người đang làm nhiệm vụ nơi biển cả và phản đối việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền nước ta. Buổi cầu nguyện đã thu hút hàng nghìn người, cả lương lẫn giáo tới tham dự, họ cùng đồng lòng sẵn sàng bảo vệ lẽ phải bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ.
theo tin từ: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/thien-chua-giao-phat-giao-viet-nam-va-quoc-te-phan-doi-trung-quoc-705190.tpo
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Lễ Tuyên Thánh 2 vị Giáo Hoàng bằng tiếng Việt

THÔNG BÁO: Kênh truyền hình trực tiếp Lễ Tuyên Thánh 2 vị Giáo Hoàng bằng tiếng Việt


Kính thưa quý bạn đọc,
Vào lúc 10 giờ sáng giờ Rôma tức 3 giờ chiều giờ Việt NamChúa Nhật 27.04.2014, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ long trọng cử hành Thánh Lễ tuyên thánh cho Đức Chân Phước Giáo hoàng Gioan XXIII và Đức Chân Phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại quảng trường thánh Phêrô.
Sẽ có 9 vệ tinh thuộc hệ thống Eutelsat, cộng thêm các vệ tinh đã dùng trong dịp thế vận hội Olimpic mùa đông ở Sochi truyền hình trực tiếp lễ tuyên thánh trên toàn thế giới. Đài Sky sẽ có 15 máy thu hình theo kỹ thuật 4K.
Nhằm giúp các tín hữu Công giáo tại Việt Nam có thể dễ dàng theo dõi và hiệp thông trong sự kiện trọng đại này, kênh Youtube của Dòng Tên Việt Nam sẽ truyền hình, thông dịch và bình luận trực tiếp bằng tiếng Việt Thánh lễ tuyên thánh.
Chúng tôi sẽ bắt đầu phát lúc 14:30 giờ VN để giới thiệu về hai vị và những điều liên quan tới việc tuyên thánh, cũng như một cảnh tổng quan về Roma và thành phần tham dự Thánh Lễ này.
Kính mời quý bạn đọc đón theo dõi và hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô, với Giáo hội Hoàn vũ để tạ ơn Thiên Chúa.
QUÝ VỊ CÓ THỂ BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM VIDEO TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP THÁNH LỄ TUYÊN THÁNH


Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

ĐGH Phanxicô tiếp đón Tổng Thống Barack Obama

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Dinh Tông sáng thứ Năm, 27 tháng 3. Đức Thánh Cha chào đón những vị khách nổi tiếng của mình với một nụ cười và “Chào mừng” những tiếng lách cách của các nhiếp ảnh gia báo chí thế giới bao quanh cuộc gặp gỡ này. Ông Barack Obama đáp lời: “Cảm ơn ngài, được hiện diện nơi đây thật là một điều tuyệt vời đối với tôi.”

Tổng thống Hoa Kỳ đến Vatican khoảng 10:15 giờ Roma, cùng một phái đoàn tùy tùng đông đảo gồm có ngoại trưởng John Karry, đã đến Roma hồi cuối tháng 1 gặp người đồng cấp của ông tại Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin. Đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh, ông Kenneth Hackett, cũng là một trong số những người có mặt.

Thứ Năm, ngày 27 tháng 3 là cuộc hội kiến đầu tiên giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống Obama, người mà đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp đón vào năm năm 2009.
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Đức Giáo hoàng kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine

Trong bài phát biểu thường kỳ vào ngày Chủ Nhật, 2/3, tại Rome, Giáo hoàng Francis I đã kêu gọi các tín đồ Công giáo và những người thuộc các tín ngưỡng khác cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine.

Giáo hoàng bày tỏ hy vọng các bên ở đất nước đang trong cơn bão khủng hoảng, Ukraine đoàn kết cùng hướng về một tương lai, để xây dựng lại đất nước. 

Giáo hoàng cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ tất cả các sáng kiến ​​để xây dựng một cuộc đối thoại hòa bình ở Ukraine.

Đây là lần thứ hai, Giáo hoàng Francis I có phát biểu về tình Ukraine. Trước đó, ngày 26/1, Giáo hoàng Francis I đã kêu gọi các bên trong cuộc bạo động ở thủ đô Kiev của Ukraine chấm dứt bạo lực và cùng đàm phán./.
(theo http://www.vietnamplus.vn/giao-hoang-keu-goi-cau-nguyen-cho-hoa-binh-o-ukraine/246510.vnp)
Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Kỷ niệm 1 năm Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 tuyên bố từ nhiệm

Kỷ niệm 1 năm Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 tuyên bố từ nhiệm

VATICAN. Hôm 11-2-2014, là kỷ niệm đúng 1 năm ĐGH Biển Đức 16 tuyên bố từ nhiệm và ấn định rằng Tông Tòa bắt đầu từ lúc 20 giờ ngày 28-2 tiếp đó.

ĐGH Biển Đức 16 tuyên bố từ nhiệm, trước sự hiện diện của hơn 40 Hồng y tham dự công nghị thường lệ về việc tôn phong hiển thánh cho 813 vị chân phước.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Reuter của Anh quốc, truyền đi hôm 11-2-2014, Đức TGM Georg Gaenswein, bí thư của ĐGH Biển Đức đồng thời là đương kim Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng cho biết ĐGH Biển Đức vẫn rất tỉnh táo và minh mẫn về tâm trí và tinh thần, tuy rằng sức khỏe thể lý của ngài suy yếu với 87 tuổi”.
Đức TGM Gaenswein cũng nói đến quan hệ tốt đẹp giữa Đức cựu và đương kim Giáo Hoàng: ”Ngay từ đầu đã có sự tiếp xúc tốt đẹp giữa hai vị và sự khởi đầu này đã được phát triển và trưởng thành. Hai vị vẫn viết thư, điện thoại, nghe và mời nhau. ĐGH Phanxicô đã nhiều lần đến Đan viện Mẹ Giáo Hội nơi Đức Biển Đức cư ngụ, và ĐGH Biển Đức cũng đã đến nhà trọ Thánh Marta. Trên nhiều bình diện có sự cảm thông giữa hai vị”.

Đức TGM nói: ”Đức nguyên Giáo Hoàng rất an bình với chính mình và với Chúa. Tôi xác tín rằng Chúa Thánh Linh gửi vị Giáo Hoàng đúng đến cho thời đại thích hợp, và điều này có giá trị đối với Đức Gioan Phaolô 2, Đức Biển Đức và ĐGH Phanxicô.. Sau một triều đại Giáo Hoàng rất dài của Đức Gioan Phaolô 2, một người đã sống cạnh Người trong 23 năm, lâu hơn bất kỳ Hồng y nào khác, và có lẽ là cộng sự viên được tín nhiệm và hữu hiệu nhất, đã trở thành Giáo Hoàng. Tôi không nói là ĐGH Biển Đức không được may mắn. Sau một triều đại 27 năm Giáo Hoàng, bất kỳ ai được bầu lên cũng gặp khó khăn”.

Và Đức TGM Gaenswein cho biết: ”Đức Biển Đức 16 không oán trách các cơ quan truyền thông nhiều khi không viết đúng về ngài và công việc của ngài. Tôi tin chắc rằng lịch sử sẽ đưa ra một phán đoán khác với phán đoán mà người ta thường đọc thấy trong những năm gần đây trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Biển Đức 16, vì nguồn mạch trở nên rõ ràng và mang lại nước trong hơn” (Vat. Ins., Reuteur 10-2-2014)
Đức TGM Georg Gaenswein xác nhận rằng khi ĐGH tuyên bố từ nhiệm, nhiều Hồng Y hiện diện kinh ngạc ngỡ ngàng, nhiều vị khác không hiểu.

Trả lời câu hỏi của đài Radio Uno ở Italia: ”Sự chọn lựa của ĐGH Biển Đức có thể là một tiền lệ trong giáo luật hay không”, Đức TGM Gaenswein nói: ”ĐGH Ratzinger đã và sẽ không hề muốn ảnh hưởng một cách nào đó đến các người kế nhiệm. Chắc chắn rằng qua hành vi từ nhiệm này, ngài xác định một sự kiện mới cần phải được tôn trọng”.

Đức Hồng Y Bertone

ĐHY Bertone, nguyên Quốc vụ khanh, cũng tiết lộ rằng ĐGH Biển Đức 16 đã muốn từ nhiệm sớm hơn, và dự tính thông báo ý định này ít lâu sau lễ Giáng Sinh năm 2012, nhưng ĐHY can ĐGH rằng: ”lúc này không phải là thời điểm thuận tiện. ĐTC cần loan báo sứ điệp của Chúa Hài Đồng Giêsu. Chúng ta không nên làm xáo trộn món quà mà Chúa ban cho Giáo Hội”.

ĐHY Bertone cho biết vào khoảng giữa năm 2012, ĐGH Biển Đức đã tiết lộ cho ngài ý định từ nhiệm, nhưng ĐHY tìm cách khuyên ĐGH dời lại thời điểm, vì mới khai mạc năm Đức Tin và loan báo Thông điệp về đức tin. Sau nhiều suy nghĩ và cầu nguyện ĐGH đi tới quyết định chung kết là sẽ công bố quyết định
vào ngày 11-2, lễ Đức Mẹ Lộ Đức.

ĐHY nguyên Quốc vụ khanh Tòa Thánh xác nhận rằng nguyên nhân chính khiến ĐTC Biển Đức 16 từ nhiệm là tình trạng sức khỏe thể lý và nghị lực tinh thần suy yếu. Ở tuổi của ngài, ngài cảm thấy không đủ nghị lực để đi Rio de Janeiro gặp gỡ hàng triệu bạn trẻ tại đó.

Cha Lombardi SJ

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, nhận định rằng quyết định từ nhiệm của ĐGH Biển Đức 16 cách đây 1 năm là một ”đại hành vi cai trị”. Nghĩa là một quyết định được đề ra một cách tự do, ảnh hưởng thực sự trong tình trạng và trong lịch sử của Giáo Hội. Theo nghĩa đó, quyết định từ nhiệm của Người là một đại hành vi cai trị, được thực hiện với một linh đạo sâu xa, được chuẩn bị kỹ lưỡng bằng suy tư và cầu nguyện, một cử chỉ rất can đảm, vì đó là một quyết định ngoại thường.

Đức Ông Georg Ratzinger

Mặt khác, trong một bài đăng trên báo ”Lý Trí” (La Razón” số ra ngày 8-2-2014 tại Tây Ban Nha, Đức Ông Georg Ratzinger, anh ruột của ĐGH Biển Đức, cho biết em của ngài không có nhiều thời gian như mong muốn để chơi đàn Piano hoặc có những cuộc điện đàm, vì Người vẫn còn nhiều người đến viếng thăm.

Đức Ông cũng tiết lộ rằng Đức nguyên Giáo Hoàng vẫn tiếp tục nghiên cứu thần học, những không nói Người có viết tiểu sử tự thuật hay không. Đức Ông nói thêm rằng: ”Em tôi tuyệt đối không hề lấy làm tiếc vì quyết định từ nhiệm cách đây 1 năm. Đối với Người, những trách vụ và chức năng mà Người muốn chu toàn, thật là rõ rằng, và quyết định Người đưa ra cách đây một năm thật là rõ ràng, và vẫn còn giá trị ngày nay” (Apic 9-2-2014)

Trong một sứ điệp ngắn truyền qua dạng Twitter, ĐTC Phanxicô viết: ”Hôm nay, tôi mời gọi anh chị em cùng với tôi cầu nguyện cho ĐTC Biển Đức 16, một người có lòng can đảm lớn lao và lòng khiêm nhường sâu xa”.

G. Trần Đức Anh OP
Đọc tiếp »

Đức Thánh Cha gặp gỡ 30 ngàn người đính hôn

Đức Thánh Cha gặp gỡ 30 ngàn người đính hôn

VATICAN. Lần đầu tiên ĐTC Phanxicô gặp gỡ riêng các cặp đính hôn. Ngài nhắn nhủ họ đừng chiều theo thứ văn hóa tạm bợ; vun trồng sự lịch sự, biết ơn và tha thứ tha thứ cho nhau, và nhất là để Chúa hiện diện trong đời sống chung.

Đáp lời mời của Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, 30 ngàn người đính hôn đến từ 30 quốc gia đã đến tham dự cuộc gặp gỡ với ĐTC, tại quảng trường thánh Phêrô trưa 14-2-2014, nhân ngày lễ kính thánh Valentino, GM giáo phận Terni, tử đạo ở Roma, bổn mạng của các cặp đính hôn. Hiện diện tại Quảng trường cũng có hơn 10 GM đặc trách các Ủy ban gia đình.

Từ 11 giờ sáng họ bắt đầu sinh hoạt chung qua phần ca hát và trình bày chứng từ, trong khi chờ đợi ĐTC đến quảng trường lúc 12 giờ rưỡi.

Đức TGM Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, đã nhắc lại sự tích thánh Valentino hồi thế kỷ thứ 4 đã giúp một thiếu nữ Công Giáo kết hôn với một người lính Lamã ngoại đạo, từ đó nhiều cặp khác cũng xin thánh nhân giúp đỡ và ngài được tôn làm bổn mạng các cặp đính hôn.

3 cặp đã lần lượt trình bày chứng từ về cuộc sống và việc chuẩn bị cuộc sống hôn nhân và chuẩn bị lễ cưới. Họ đã nêu lên 3 câu hỏi xin ĐTC chỉ dẫn.

Câu hỏi thứ I: sợ dấn thân mãi mãi

Kính thưa ĐTC, bao nhiêu người ngày nay nghĩ rằng hứa chung thủy trọn đời với nhau là một công trình quá khó khăn; nhiu người cảm thấy rằng thách đố sống với nhau trọn đời thật là đẹp, hấp dẫn, nhưng quá khó khăn, hu như không th được. Chúng con xin Cha một lời để soi sáng chúng con về vấn đề này.

ĐTC Đáp: Thật là điều quan trọng khi tự hỏi mình có thể yêu nhau trọn đời không. Ngày nay bao nhiêu người sợ không dám đưa ra những chọn lựa vĩnh viễn, trọn đời, đối với họ dường như đó là điều không thể được. Ngày nay tất cả đều thay đổi mau lẹ, không có gì kéo dài mãi.. Và tâm thức này làm cho bao nhiêu người chuẩn bị kết hôn nói rằng: ”Chúng ta ở với nhau bao lâu còn tình yêu”. Nhưng chúng ta hiểu thế làm là tình yêu? Phải chăng đó chỉ là một tình cảm, một trạng thái tâm vật lý? Chắc chắn nếu tình yêu là như thế, thì ta không thể xây dựng mình cái gì vững chắc. Nhưng trái lại nếu tình yêu là tương quan, thì nó là một thực tại tăng trưởng và chúng ta cũng có thể nói giống như khi chúng ta xây một căn nhà. Căn nhà ta cùng nhau kiến thiết, chứ không xây một mình! Xây dựng có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi và giúp tăng trưởng. Anh chị em đính hôn thân mến, anh chị em đang chuẩn bị cùng nhau tăng trưởng, xây dựng căn nhà này, để sống với nhau mãi mãi. Anh chị không muốn xây dựng căn nhà trên cát tình cảm đến rồi đi, nhưng trên đá tảng của tình yêu chân thực, tình yêu đến từ Thiên Chúa. Gia đình phát sinh từ dự án tình yêu muốn tăng trưởng như ta xây dựng một căn nhà là nơi yêu thương, giúp đỡ, hy vọng, nâng đỡ nhau. Cũng như tình yêu của Thiên Chúa vững bền và mãi mãi, cả tình yêu kiến tạo gia đình chúng ta muốn nó vững bền và mãi mãi. Chúng ta không được để mình bị ”nền văn hóa tạm thời” lướt thắng.

Vậy làm sao chúng ta chữa trị thái độ sợ hãi sự mãi mãi, sự dấn thân trọn đời? Thưa ta chữa trị mỗi ngày bằng cách tín thác vào Chúa Giêsu trong một cuộc sống trở thành một hành trình thiêng liêng hằng ngày, được kết thành nhờ từng bước một, tăng trưởng chung, quyết tâm trở thành những người nam nữ trưởng thành trong đức tin. Vì, hỡi anh chị em đính hôn thân mến, vấn đề ”mãi mãi” ở đây không phải chỉ là một vấn đề lâu dài! Một cuộc hôn nhân không thành công chỉ vì nó kéo dài, nhưng điều quan trọng là chất lượng của hôn nhân. Ở với nhau và biết yêu thương nhau mãi mãi là thách đố đối với các đôi vợ chồng Kitô. Tôi nghĩ đến phép lạ bánh hóa ra nhiều: đối với anh chị em, Chúa cũng có thể làm cho tình yêu của anh chị em hóa ra nhiều và ban tình yêu mới mẻ và tốt đẹp ấy mỗi ngày cho anh chị em. Ngài có kho dự trữ tình yêu vô biên! Chúa ban cho anh chị em tình yêu là nền tảng sự kết hợp của anh chị em và mỗi ngày Ngài đổi mới, củng cố tình yêu ấy. Ngài càng làm cho tình yêu ấy lớn hơn khi gia đình tăng trưởng với con cái. Trong hành trình này điều quan trọng cần cầu nguyện. Anh chị chị em hãy cầu xin Chúa gia tăng tình yêu của mình. Trong kinh Lạy Cha chúng ta nói: ”Xin ban cho chúng con lương thực hằng ngày”. Các đôi vợ chồng cũng có thể học cầu nguyện thế này: ”Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu hằng ngày”

Anh chị em cùng lập lại: ”Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu hằng ngày!”, xin dạy chúng con yêu nhau, thương mến nhau hết lòng! Hễ anh chị em càng tín thác nơi ngài, thì tình yêu của anh chị em càng bền vững mãi mãi, có khả năng đổi mới và vượt thắng mọi khó khăn.

- Câu hỏi thứ hai: Sống chung, lối sống hôn nhân

Kính thưa ĐTC, sống chung mỗi ngày thật là đẹp, mang lại vui mừng, nâng đ. Nhưng đó cũng là một thách đố cần phải đương đầu. Chúng con tin rằng cần học yêu thương nhau. Có một lối sống vợ chồng, một linh đạo về cuộc sống thường nhật. Đức Thánh Cha có thể giúp chúng con trong vấn đề này không?

ĐTC đáp: Sống chung là một nghệ thuật, một hành trình kiên nhẫn, đẹp đẽ và hấp dẫn. Nó không chấm dứt khi anh chị em đã chinh phục được nhau.. Trái lại chính lúc đó là lúc bắt đầu! Hành trình này mỗi ngày như thế có những qui luật có thể được tóm tắt trong 3 lời mà tôi đã nói với các gia đình và anh chị em cũng có thể học sử dụng với nhau: xin lui lòng (permesso), cám ơn (grazie), và xin lỗi (scusa).

Xin vui lòng: Đó là lời yêu cầu lịch sự có thể đi vào đời sống của người khác trong sự tôn trọng và quan tâm chú ý. Cần học xin: Anh có thể làm điều này không? Anh có muốn chúng ta làm như thế không? Chúng ta chọn sáng kiến này, giáo dục con cái thế này được không? Em có muốn chúng ta ra ngoài tối nay không? Tóm lại, nói ”xin vui lòng” có nghĩa là biết đi vào đời sống người khác một cách lịch sự. Trái lại nhiều khi người ta quen dùng những phương thế nặng nề, mạnh bạo, như những thứ giầy leo núi! Tình yêu đích thực không áp đặt bằng sự cứng cỏi và gây hấn. Trong cuốn Tiểu Kỳ hoa của thánh Phanxicô, chúng ta thấy có câu này: ”Con hãy biết rằng sự lịch sự là một trong những đặc tính của Thiên Chúa... lịch sự chính là anh em của đức bác ái, lịch sự dập tắt oán ghét và bảo tồn tình yêu” (Cap. 37). Đúng vậy lịch sự bảo tồn tình yêu. Và ngày nay trong các gia đình chúng ta, trong thế giới, thường gặp bạo lực và kiêu căng, cần có lịch sự rất nhiều.

Cám ơn: Nói cám ơn, xem ra là điều dễ dàng, nhưng chúng ta biết không phải như vậy.. Đà điều quan trọng! Chúng ta dạy cho các trẻ em nói cám ơn, nhưng rồi chúng ta lại quên nói! Lòng biết ơn là một tâm tình quan trọng: anh chị em có nhớ Tin Mừng theo thánh Luca không? Chúa Giêsu chữa lành 10 người bệnh phong cùi nhưng rồi chỉ có một người trở lại cám ơn Chúa Giêsu. Và Chúa nói: vậy 9 người kia đâu rồi? Điều này cũng được áp dụng cho chúng ta: chúng ta có biết cám ơn không? Trong tương quan của chúng ta bây giờ, và mai ngày trong đời sống hôn nhân, điều quan trọng là luôn ý thức rằng người bạn đường của mình là một hồng ân của Thiên Chúa mà ta phải luôn biết ơn. Và trong thái độ nội tâm ấy hãy cám ơn nhau về mọi sự. Đó không phải là một lời tử tế chỉ dùng với người ngoài, để được coi là người có giáo dục. Cần phải biết nói cám ơn nhau, để cùng nhau tiến bước tốt đẹp.

- Xin lỗi: Trong cuộc sống, chúng ta phạm bao nhiêu lỗi lầm. Tất cả chúng ta đều phạm lỗi. Có lẽ không có ngày nào mà chúng ta không có vài sai lầm. Vì thế cần phải nói lời đơn sơ này: xin lỗi. Nói chung mỗi người chúng ta đều sẵn sàng cáo người khác và biện minh cho chính mình. Đó là một bản năng là nguồn gốc của bao nhiêu thảm hại. Chúng ta hãy học nhìn nhận nhận lỗi của mình và xin lỗi: Xin lỗi nếu anh đã to tiếng, xin lỗi nếu anh đi qua mà không chào em, xin lỗi nếu em đến trễ, xin lỗi nếu tuần này em đã im lặng nhiều như thế, nếu em nói nhiều quá mà chẳng bao giờ chịu nghe, xin lỗi nếu anh quên... Một gia đình Công giáo cũng lớn lên như thế, tất cả chúng ta đều biết rằng không có gia đình hoàn hảo, cũng chẳng có người chồng, người vợ hoàn hảo, cũng chẳng có mẹ chồng hoàn hảo (!). Chúng ta là những người tội lỗi. Chúa Giêsu biết rõ chúng ta, ngài dạy chúng ta một bí quyết: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không xin lỗi, không làm cho an bình trở lại trong nhà chúng ta, trong gia đình chúng ta. Nếu chúng ta học cách xin lỗi và tha thứ cho nhau, thì hôn nhân sẽ kéo dài, sẽ tiến bước.

Câu hỏi 3: Chuẩn bị hôn phối: lối cử hành hôn phối

Kính thưa ĐTC, trong nhng tháng này chúng con đang làm rất nhiều để chuẩn bị cho hôn lễ của chúng con. ĐTC có thể cho chúng con một lời khuyên để cử hành tốt đẹp lễ cưới của chúng con không?

ĐTC trả lời: Anh chị hãy làm sao để lễ cưới thực là một buổi lễ, buổi lễ Kitô chứ không phải là một buổi lễ trần tục! Lý do sâu xa nhất của niềm vui trong ngày ấy đã được Tin Mừng theo thánh Gioan chỉ cho chúng ta: Anh chị em có nhớ phép lạ tiệc cưới Cana không? đến một lúc nào đó họ hết rượu và buổi lễ dường như bị hỏng. Theo đề nghị của Mẹ Maria, trong lúc ấy, Chúa Giêsu tỏ mình ra lần đầu tiên, và ngài làm phép lạ biến rước thành rượu, và khi làm như thế ngài cứu vãn tiệc cưới. Điều xảy ra tại Cana cách đây 2 ngàn năm, trong thực tế cũng xảy ra trong mỗi lễ cưới: Điều làm cho lễ cưới của anh chị em được trọn vẹn và chân thực sâu xa chính là sự hiện diện của Chúa, Đấng tỏ mình và ban ơn sủng của Ngài. Chính sự hiện diện của Chúa ban tặng ”rượu ngọn”, chính Chúa là bí quyết niềm vui trọn vẹn, niềm vui sưởi ấm tâm hồn thực sự.

Nhưng đồng thời, điều tốt đẹp là làm sao để lễ cưới của anh chị em điều lộ, làm nổi bật điều thực sự quan trọng. Một số người quan tâm lo lắng đến những dấu hiệu bên ngoài, đến bữa tiệc, chụp hình, quay phim, quần áo, hoa.. Đó là những điều quan trọng trong một buổi lễ, nhưng chỉ khi nào chúng có khả năng chỉ rõ động lực đích thực của niềm vui chúng ta: phúc lành của Chúa trên tình yêu của anh chị em. Hãy làm sao để, như rượu tại tiệc cưới Cana, những dấu chỉ bên ngoài trong lễ cưới của anh chị em biểu lộ sự hiện diện của Chúa và nhắc nhớ cho anh chị em và mọi người hiện diện nguồn gốc và động lực niềm vui của anh chị em”.

Cuộc gặp gỡ kết thúc với lời nguyện giáo dân do các cặp đính hôn xướng lên, Kinh Lạy Cha và Phép lành của ĐTC. Ngài còn đứng lại đích thân bắt tay chào thăm khoảng 60 người, trước khi dùng xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm mọi người. Bấy giờ là gần 2 giờ chiều.

G. Trần Đức Anh OP
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2014

Tác giả: 
Chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ


VATICAN. Hôm 6.2, Đức Thánh Cha đã cho công bố Sứ Điệp của ngài nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2014, với đề tài “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3).
Bài sứ điệp của ngài có bốn điểm nhỏ, trong đó, ngài lấy cái nghèo làm trọng tâm cho những ý tưởng chia sẻ. Xuất phát từ việc chiêm ngắm Đức Kitô đã từ chỗ giàu sang phú quý của Thiên Chúa nhưng đã trở nên nghèo vì ta, ngài nhắn gửi đến các bạn trẻ hãy noi gương Người để có thể mang Tin Mừng đến cho người khác.

Sau đây là nguyên văn sứ điệp của ngài:
“Các bạn trẻ thân mến,
Buổi gặp gỡ mà chúng ta đã có ở Rio de Janeiro nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 28 vẫn còn ghi dấu đậm trong trí nhớ của tôi: Đó là một buổi lễ lớn của niềm tin và tình huynh đệ! Những người dân Brazil tuyệt vời đã đón tiếp chúng ta với những cánh tay rộng mở, hệt như tượng Chúa Kitô Cứu Chuộc nhìn xuống từ đồi Corcovado, trên dải đất thơ mộng của bãi biển Copacabana. Trên bãi biển, Đức Giêsu đã lặp lại vời mọi gọi của Người muốn từng người chúng ta trở thành những môn đệ truyền giáo, khám phá ra nơi ấy một kho tàng quý báu cho cuộc sống của chúng ta và chia sẻ sự phong phú ấy cho người khác xa gần, kể cả những người ở những vùng ngoại biên xa xôi về địa lý và về tính hiện sinh của thời đại chúng ta.


Điểm dừng tiếp theo trên cuộc hành hương giới trẻ liên lục địa sẽ là ở Krakow vào năm 2016. Như một cách thức đồng hành với nhau trên chuyến hành trình, trong ba năm tiếp, tôi muốn suy tư với các bạn về Các Mối Phúc Thật trong Tin Mừng theo thánh Matthêu (5:1-12). Năm nay chúng ta sẽ bắt đầu với việc suy tư về Mối Phúc thứ nhất: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3). Đối với năm 2015, tôi đề nghị là: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa (Mt 5:8). Và năm 2016, chủ đề của chúng ta là: “Phúc cho ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7)


1. Sức mạnh mang tính cách mạng của Các Mối Phúc

Chúng ta thường cảm nghiệm thấy một niềm vui khôn tả khi đọc và suy tư về Các Mối Phúc! Đức Giêsu đã công bố những điều này trong bài giảng lớn đầu tiên của mình, tại biển hồ Galilê. Có một đám người đông đảo, vì thế Đức Giêsu phải đứng trên núi để giảng dạy các môn đệ. Đó là lý do tại sao, Các Mối Phục cũng được gọi là “Bài Giảng Trên Núi”. Trong Kinh Thánh, núi được xem như là nơi mà Thiên Chúa mặc khải chính mình. Qua việc rao giảng trên núi, Đức Giêsu mặc khải chính mình như là một bậc thầy thiêng liêng, một Môse mới. Ngài nói với chúng ta điều gì? Ngài nói với chúng ta về con đường dẫn đến sự sống, con đường mà chính Ngài cũng sẽ đi qua. Hơn hết, chính Ngài là con đường, và Ngài giới thiệu con đường này như còn lối đi dẫn tới hạnh phúc đích thực. Xuyên suốt cuộc sống của mình, từ lúc hạ sinh trong chuồng bò ở Bêlem đến cái chết trên thập giá và sự phục sinh, Đức Giêsu luôn là hiện thân của Các Mối Phúc. Tất cả lời hứa của Vương Quốc Thiên Chúa được kiện toàn trong Ngài.


Khi công bố Các Mối Phúc, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy theo Ngài và đi với Ngài trên hành trình tình yêu, hành trình duy nhất dẫn tới cuộc sống vĩnh cửu. Đây không phải là một hành trình dễ dàng, tuy nhiên Thiên Chúa hứa sẽ ban cho chúng ta ân sủng và Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúng ta đối diện với rất nhiều thử thách trong cuộc sống: nghèo đói, đau buồn, sỉ nhục, chiến đấu cho công bình, bắt bớ, khó khăn hoán cải hàng ngày, nỗ lực giữ lòng trung tín với lời mời gọi nên thánh và nhiều điều khác. Nhưng nếu chúng ta mở cửa cho Đức Giêsu, để cho ngài đi vào trong lịch sử chúng ta, nếu chúng ta chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với Ngài, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự bình an và một niềm vui mà chỉ có Thiên Chúa, Đấng là tình yêu miên viễn, mới có thể trao ban.


Các mối phúc của Đức Giêsu mang chúng ta đến một cuộc cách mạng mới, một kiểu mẫu hạnh phúc ngược lại với những gì thường được các phương tiện truyền thông và lối nghĩ thịnh hành thông truyền. Lối suy nghĩ trần tục sẽ cho là điên rồ khi Thiên Chúa trở nên một trong chúng ta và chết trên thập giá! Theo cái luận lý của thế giới này, những ai mà Đức Giêsu tuyên bố là có phúc được xem, “những người chịu mất mát”, những người yếu thế. Cái được xem là vinh quang phải là thành công bằng mọi giá, sự giàu có, đỉnh cao quyền lực và được người khác nhìn nhận mình.


Các bạn trẻ thân mến, Đức Giêsu thách thức chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi hướng đến sự sống của Ngài và quyết định đâu là con đường mà chúng ta muốn đi để có được niềm vui đích thực. Đây là một thách đố to lớn của đức tin. Đức Giêsu thẳng thắn hỏi các môn đệ là liệu họ có thật sự muốn theo Ngài không hay họ thích một con đường khác (x. Ga 6:67). Simon Phêrô đã dũng cảm đáp lại rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Chỉ có Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68). Nếu các bạn cũng có thể nói “vâng” với Đức Giêsu, cuộc sống của các sẽ trở nên ý nghĩa và sinh nhiều hoa trái.


2. Can đảm để có hạnh phúc

Nhưng “Phúc thay” có nghĩa là gì (trong tiếng Hy Lạp makarioi)? Được chúc phúc, nghĩa là có được hạnh phúc. Hãy nói cho tôi biết: các bạn có thực sự muốn được hạnh phúc không? Những khi chúng ta bị lôi kéo bởi những ảo tưởng có vẻ là hạnh phúc, chúng ta đang liều mình tự hài lòng với những cái nhỏ bé, với một chút ý tưởng “vụn vặt” của cuộc sống. Hãy mở ra với những cái lớn hơn! Hãy mở con tim mình ra! Như chân phước Piergiorgio Frassati có lần đã nói “sống mà không có niềm tin, không có gia tài để bảo vệ, không có nguồn nâng đỡ trong cuộc chiến trường kỳ bảo vệ chân lý: đó không phải là sống, chỉ là tồn tại cho qua ngày. Chúng ta đừng bao giờ chỉ tồn tại cho qua ngày, nhưng hãy sống” (Thư gửi I.Bonini, 27.2.1925). Trong bài giảng vào ngày lễ phong chân phước cho ngài (20.5.1990), Đức Gioan Phaolo II đã gọi ngài là “con người của các Mối Phúc” (AAS 82 [1990], 1518)


Nếu các bạn thật sự mở ta cho những rung động sâu thẳm nhất của con tim mình, các bạn sẽ nhận ra rằng có một khao khát cháy bỏng về niềm hạnh phúc và điều này cho phép các bạn loại trừ và gạt bỏ tất cả những gì “kém giá trị” chung quanh các bạn. Khi chúng ta tìm kiếm thành công, thỏa mãn và sở hữu theo kiểu ích kỷ, và chúng ta hướng những điều đó đến các thần tượng, có thể chúng ta sẽ có những khoảng khắc phấn chấn, một cảm giác thỏa mãn thăng hoa, nhưng rốt cuộc, chúng ta trở thành nô lệ, bị lôi kéo phải đi tìm để có hơn nữa. Thật là một điều đáng buồn khi thấy một bạn trẻ “có tất cả” nhưng lại yếu ớt.


Khi viết cho những người trẻ, thánh Gioan đã dạy bảo họ rằng: “Anh em là những người ạnh mẽ; lời Thiên Chúa ở lại trong anh em và anh em đã thắng ác thần.” (1Ga 2:14). Những bạn trẻ nào chọn lựa Đức Kitô là những con người mạnh mẽ: họ được lời Người nuôi dưỡng và họ không cần phải “nhồi nhét” mình với những điều khác! Hãy có dũng lực để đi ngược dòng! Hãy có dũng lực để có hạnh phúc đích thực! Nói không với nền văn hóa phù du, hời hợt và loại trừ, một nền văn hóa cho rằng bạn không thể mang lấy trách nhiệm và không thể đối mặt với những thử thách lớn lao của cuộc sống.


3. Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó…


Mối phúc đầu tiên, chủ đề cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sắp tới, nói rằng những ai có tinh thần nghèo khó thì được phúc phúc vì Nước Trời là của họ. Khi mà có quá nhiều người đang chịu khổ do hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính, thật là lạ khi nối kết nghèo khổ với hạnh phúc. Làm sao chúng ta có thể xem nghèo đói là một mối phúc?


Trước hết, chúng ta hãy cố hiểu ý nghĩa của từ “tinh thần nghèo khó”. Khi Con Thiên Chúa làm người, Ngài chọn cho mình con đường nghèo khó và tự hủy ra không. Như Thánh Phaolô nói trong thư gửi cho các tín hữu Philipphê: “
Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Ðức Kitô Giêsu. Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. (Pl 2:5-7). Đức Giêsu là Thiên chúa trút bỏ hết mọi vinh quang. Ở đây chúng ta thấy chọn lựa trở nên nghèo hèn của Thiên Chúa: ngài giàu sang nhưng đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Người ( x. 1Cor 8:9). Đây là mầu nhiệm mà chúng ta chiêm ngắm nơi hang đá khi chúng ta thấy Con Thiên Chúa nằm trong máng cỏ, và sau đó là trên thánh giá, nơi sự tự hủy của Người đạt đến đỉnh cao nhất.


Tính từ ptochós (nghèo) của tiếng Hy lạp không chỉ có nghĩa đơn thuần mang tính vật chất. Nó có nghĩa là “một người hành khất”. Cần phải liên kết nó với ý niệm anawim của người Do Thái, nghĩa là “người nghèo của Thiên Chúa”, nói đến sự thấp bé, ý thức những giới hạn và điều kiện mang tính hiện sinh của riêng con người. Một anawin luôn tin tưởng vào Thiên Chúa và họ biết rằng họ có thể bám vào Người.


Như thánh Teresa Hài Đồng Giêsu đã thấy rõ, qua việc nhập thể, Đức Giêsu đã đến giữa chúng ta như một người hành khất nghèo, cầu xin tình thương của chúng ta. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói về con người là một “người hành khất trước mặt thiên Chúa (số 2559) và lời cầu nguyện là sự gặp gỡ giữa khao khát của Thiên Chúa với khao khát của chúng ta (số 2560)


Thánh Phanxicô Assisi cũng đã hiểu rõ bí mật của Mối Phúc dành cho người nghèo trong tinh thần. Thật vậy, khi Đức Giêsu nói với ngài thông qua người cùi và tượng khổ nạn, thánh nhân đã nhận ra sự cao cả của Thiên Chúa và điều kiện thập bé của mình. Trong lời cầu nguyện của mình, Người Nghèo thành Assisi đã dùng nhiều giờ để hỏi Thiên Chúa: “Ngài là ai? Con là ai?” Ngài đã từ bỏ một cuộc sống giàu có và thảnh thơi để kết hôn với “Bà Chúa Nghèo”, để noi gương Đức Giêsu và theo sát mặt chữ Tin Mừng. Thánh Phanxicô đã sống trong sự noi gương Đức Kitô trong khó nghèo và trong tình yêu dành cho người nghèo – đối với ngài, hai điều này nối kết chặt chẽ với nhau – giống như hai mặt của một đồng tiền.


Các bạn có thể hỏi tôi: Một cách cụ thể chúng ta có thể làm gì để làm cho tinh thần nghèo khó trở thành một lối sống, một cách cụ thể trong cuộc sống của riêng chúng ta? Tôi sẽ trả lời qua ba điều.


Trước hết, hãy cố gắng tự do với những của cải vật chất. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta sống một đời sống theo Tin Mừng, được đánh dấu bằng sự giản dị, bằng việc từ bỏ khao khát sống nền văn hóa tiêu thụ. Nghĩa là chỉ tìm kiếm những gì thiết yếu và học cách cởi bỏ khỏi mình những gì không cần thiết vây quanh chúng ta. Chúng ta hãy học cách tách ra khỏi những sở hữu và tôn sùng bạc tiền và những chi tiêu hoang phí. Chúng ta hãy đặt Đức Giêsu lên trên hết. Ngài có thể giải phóng chúng ta khỏi những thứ tôn thờ ngẫu tượng là những cái biến chúng ta thành nô lệ cho nó. Hãy đặt niềm tín thác vào Thiên Chúa, hỡi các bạn trẻ thân mến! Ngài biết và yêu chúng ta, và Ngài không bao giờ lãng quên chúng ta. Cũng giống như việc Ngài đã chăm lo cho hoa huệ ngoài đồng thế nào (x. Mt 6:28), thì Ngài cũng đảm bảo rằng chúng ta không thiếu cái gì. Cũng như để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, cần phải sẵn sàng thay đổi lối sống và tránh những phung phí quá đáng. Cũng như chúng ta cần sự can đảm để được hạnh phúc, chúng ta cũng cần sự can đảm để sống giản dị.


Thứ hai, nếu chúng ta sống mối phúc này, tất cả chúng ta cần trải nghiệm cuộc hoán cải trong cách thức chúng ta nhìn đến người nghèo. Chúng ta phải quan tâm đến họ và nhạy cảm trước những nhu cầu thiêng liêng và vật chất của họ. Những bạn trẻ thân mến, tôi trao phó các bạn, một cách đặc biệt, nhiệm vụ phục hồi lại tình liên đới nơi trọng tâm của văn hóa con người. Đối mặt với những hình thức nghèo đói cũ và mới – thất nghiệp, di dân và nghiện ngập dưới nhiều hình thức – chúng ta có nhiệm vụ phải cảnh giác và thận trọng, tránh những cám dỗ giữ thái độ lãnh đạm. Chúng ta có nghĩa vụ phải nhớ đến tất cả những người cảm thấy mình không được yêu mến, những ai không có niềm hy vọng vào tương lai và những ai buông xuôi cuộc sống do nhụt chí, thất vọng hay sợ hãi. Chúng ta phải học cách ở bên cạnh người nghèo, chứ không chỉ buông ra những hùng biện về người nghèo! Chúng ta hãy đi ra để nhìn họ, nhìn vào đôi mắt họ và lắng nghe họ. Người nghèo cho chúng ta một cơ hội cụ thể để nhìn thấy chính Đức Giêsu, và đụng chạm đến thân xác đau khổ của Người.


Tuy nhiên – và đây là điểm thứ ba – người nghèo không chỉ là người mà chúng ta bố thí cho cái gì đó. Họ có nhiều điều để cho chúng ta và dạy chúng ta. Có rất nhiều điều có tể học được từ sự khôn ngoan của người nghèo! Các bạn hãy nhớ rằng vào thế kỷ 18, Benedict Joseph Labre, người đã sống trên các ngã đường ở Rôma nhờ của bố thí mà ông nhận được, đã trở thành một người hướng dẫn thiêng liêng cho tất cả mọi loại người, kể cả những người chức cao vọng trọng và các linh mục. Theo một nghĩa nào đó, người nghèo giống như thầy dạy của chúng ta. Họ dạy chúng ta thấy rằng giá trị của con người không hệ ở sự sở hữu hay bằng số tiền họ có trong ngân hàng. Một người nghèo, một người thiếu đi của cải vật chất, vẫn luôn có nhân phẩm của mình. Người nghèo có thể dạy chúng ta rất nhiều về sự khiêm nhường và lòng tín thác vào Thiên Chúa. Trong dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế (x. Lc 18:9-149, Đức Giêsu đã đặt người thu thuế như một kiểu mẫu vì sự khiêm nhường và thái độ thừa nhận mình là một tội nhân của ông. Người góa phụ dâng cúng 2 đồng bạc nhỏ nhoi cho đền thờ cũng là một ví dụ về lòng quảng đại cho những ai hầu như không có gì nhưng đã cho đi những gì mình có (Lc 21:1-4)


4. Vì nước trời là của họ


Đề tài trọng tâm của Tin Mừng là Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu là Vương Quốc của Thiên Chúa nơi con người; ngài là Emmanuel, là Thiên-Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta. Và chính nơi cõi lòng con người mà Vương quốc, vương quyền của Thiên Chúa được hình thành và lớn lên. Nước Thiên Chúa vừa là món quà, vừa là lời hứa. Nó đã được ban cho chúng ta nơi Đức Giêsu, nhưng nó chưa đi đến sự kiện toàn. Đó là lý do vì sao chúng ta cầu nguyện Kinh Lạy Cha mỗi ngày: “Nước Cha trị đến”.


Có một sự nối kết rất sâu sắc giữa nghèo khó với việc loan báo Tin Mừng, giữa đề tài của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần trước –“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy!” (Mt 28:19) – và chủ đề của năm nay: “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó vì nước trời là của họ” (Mt 5:3). Thiên Chúa muốn một Giáo Hội nghèo khó truyền giảng Tin Mừng cho người nghèo. Khi Đức Giêsu sai nhóm Mười Hai đi rao giảng, Ngài nói với họ: “Đừng sắm vàng, bạc, hay tiền đồng để giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy, vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10:9 -10). Sự nghèo khó mang tính tin mừng là một điều kiện cơ bản để Nước Thiên Chúa được lan tỏa. Những diễn tả niềm vui tự nhiên và tuyệt đẹp nhất mà tôi đã thấy trong đời mình chính là với người nghèo, những người chỉ có một chút ít để nắm giữ. Việc Tin Mừng hóa trong thời đại chúng ta sẽ chỉ có thể diễn ra như là hệ quả của việc lan tỏa niềm vui đến cho người khác.


Chúng ta đã thấy rằng Mối Phúc khó nghèo trong tinh thần định hướng cho tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với của cải vật chất và với người nghèo. Trước những ví dụ và lời nói của Đức Giêsu, chúng ta nhận ra là mình cần phải được hoán cải biết bao nhiêu, để luận lý “là hơn nữa” vượt lên trên luận lý “ hơn nữa”. Các thánh là những người có thể giúp chúng ta hiểu tốt nhất ý nghĩa sâu sắc của Các mối Phúc. Lễ phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II, sẽ diễn ra vào Chúa Nhật thứ II Phục Sinh, theo ý hướng này, sẽ là một sự kiện đánh dấu một niềm vui to lớn trong con tim chúng ta. Ngài sẽ là đấng bảo trợ cao cả cho các Ngày Giới Trẻ Thế Giới mà chính ngài đã khởi sự và luôn ủng hộ. Trong sự hiệp thông với các thánh, ngài sẽ luôn là một người cha và người bạn của tất cả các bạn.


Tháng Tư này cũng là tháng kỷ niệm 30 năm việc trao Thánh Giá Năm Thánh Cứu Chuộc cho người trẻ. Hành vi biểu tượng này của Đức Gioan Phaolô II đã khởi đầu cho chuyến hành hương giới trẻ to lớn vẫn còn tiếp tục thực thi khắp năm châu. Nhiều người vẫn còn nhớ những lời của ngài vào dịp Chúa Nhật Phục Sinh năm 1984, cùng với cử chỉ của ngài: “Các bạn trẻ thân mến, vào dịp kết thúc Năm Thánh, tôi trao cho các bạn một dấu chỉ của Năm Thánh: Thánh Giá Đức Kitô! Hãy mang nó vào thế giới như một dấu chỉ của tình yêu Chúa Giêsu dành cho con người, và công bố cho mọi người rằng chỉ trong Đức Kitô, Đấng đã chết và phục sinh từ cõi chết, chúng ta mới có thể tìm thấy ơn cứu độ và sự cứu chuộc.”


Các bạn thân mến, bài ca Magnificat, bài ca tán dương của Mẹ Maria, người có tinh thần nghèo khó, cũng là một bài ca của những ai sống các mối phúc. Niềm vui của Tin Mừng trỗi lên từ một con tim nghèo khó, đã vui mừng và kinh ngạc trước những công trình của Chúa, như trái tim của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mà muôn thế hệ sẽ khen là “diễm phúc” (x. Lc 1:48). Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ của người nghèo và là vì sao của công cuộc Tân Phúc Âm hóa giúp chúng ta sống Tin Mừng, giúp chúng ta sống các mối phúc và có được sự can đảm để luôn được hạnh phúc.


Từ Vatican, 21.1.2014, lễ kính thánh Agnese, trinh nữ-tử đạo
Phancicô, Giáo Hoàng


Nguồn: 
http://vietvatican.net/
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.